Thông tin về số người biểu tình bị bắt tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) trong hai ngày 18 và 19/11 được cảnh sát trưởng Kwok Ka-chuen đưa ra trong cuộc họp báo hôm qua.
Nhà chức trách Hong Kong cho biết gần 800 người đã rời khỏi PolyU để "đầu hàng" theo lời kêu gọi trước đó của cảnh sát. Trong số này có khoảng 300 người dưới 18 tuổi không bị bắt, nhưng có thể bị điều tra sau này. Một số người biểu tình rời PolyU trong tình trạng bị hạ thân nhiệt và bị thương ở chân.
Nhiều thầy cô, nghị sĩ và chính trị gia đã vào trường để thuyết phục những người bên trong hợp tác với cảnh sát.
Giám mục Joseph Ha Chi-shing cũng đến thăm trường vì ông nghe nói người biểu tình sẵn sàng chết để bảo vệ trường. "Tôi hy vọng họ có thể hiểu không phải mọi thứ đều có thể được giải quyết trong một ngày. Hiện tôi ở đây để lắng nghe những gì người biểu tình muốn, tôi không chắc việc thuyết phục họ rời đi là dễ dàng", ông nói.
Những người biểu tình đã ra ngoài ước tính khoảng 60-100 người vẫn ở trong khuôn viên trường, trong đó nhiều người không phải sinh viên PolyU hoặc có thể chưa từng theo học đại học nào. Các nhân viên sơ cứu tình nguyện ở trong trường từ hôm 17/11 cho biết số người biểu tình còn lại trong trường đã giảm và thức ăn, nước uống của họ cũng sắp hết.
Căng thẳng gia tăng từ đầu tuần trước khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong PolyU từ ngày 17/11. Cảnh sát triển khai lực lượng vây bên ngoài trường suốt hơn ba ngày qua và sử dụng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng để ngăn cản những người trốn ra ngoài mà không giao nộp mình.
280 người biểu tình bị thương trong PolyU đã được đưa tới 12 bệnh viện công vào chiều 19/11.
Trong ba ngày qua, người biểu tình đã thử nhiều phương pháp để thoát khỏi khuôn viên trường. Tối 18/11, hàng chục người đu dây thừng từ một cầu vượt gần trường xuống đường cao tốc, nơi có những người đi môtô chờ sẵn để đón họ. Hai nhóm tìm cách rời trường tối 19/11 nhưng bị cảnh sát bắt. Trước đó, một số người chui xuống cống dẫn đến đường hầm dưới lòng đất nhưng kết quả họ bị dẫn đến một cống khác trong khuôn viên trường.
Người biểu tình "đầu hàng" cảnh sát xếp hàng chờ được đưa tới bệnh viện tối 19/11. Ảnh: Reuters. |
"Dưới đó thật kinh tởm", một người biểu tình đeo mặt nạ nói. "Chúng tôi phải dùng đến cách này vì không biết làm cách nào khác để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài".
Một số người biểu tình tuyên bố họ sẽ đấu tranh cho đến khi bị bắt. "Chúng tôi sẽ không đầu hàng. Đầu hàng là thừa nhận thất bại", Eric, 18 tuổi, một sinh viên đã ở trong khuôn viên trường ba ngày, nói. "Chúng tôi sẽ trốn hoặc có thể tự nhốt mình trong phòng". Eric cho biết cậu chỉ ngủ được 5 giờ trong ba ngày qua vì bận tìm lối thoát hoặc cảnh giác với cảnh sát.
Phát biểu trước cuộc họp hàng tuần của Hội đồng Hành pháp hôm qua, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết bà đã đưa ra hai nguyên tắc với cảnh sát để xử lý tình huống rằng họ phải giải quyết căng thẳng một cách hòa bình và đối xử nhân đạo với những người biểu tình bị thương hoặc chưa đủ 18 tuổi.
Theo bà, những người dưới 18 tuổi đã được phép về nhà sau khi thông tin cá nhân của họ được cảnh sát ghi lại. Tuy nhiên, cảnh sát bảo lưu quyền bắt những người này.
Hôm 18/11, người biểu tình đã hoạt động khắp khu vực Cửu Long, chặn đường và ném bom xăng để đánh lạc hướng, phân tán cảnh sát tại PolyU. Hơn 200 người đã bị bắt ở phố Pitt, Mong Kok vào tối đó và sẽ bị buộc tội gây bạo loạn. Đây là số người bị truy tốt lớn nhất vì phạm tội cùng lúc và sẽ ra tòa ở Tây Cửu Long sáng nay.
Người biểu tình Hong Kong ở trong nhà thi đấu của PolyU đêm 19/11. Ảnh: SCMP. |
Cảnh sát đã bắn 1.458 viên đạn hơi cay, 1.391 viên đạn cao su, 325 viên đạn đậu và 265 quả lựu đạn hôm 18/11. Đây cũng là ngày có số người bị bắt cao nhất kể từ khi biểu tình bùng phát hồi tháng 6.
Bà Lam cho biết số người bị bắt cao kỷ lục cho thấy chính quyền và lực lượng cảnh sát có thể giải quyết tình hình, bác bỏ suy đoán rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể được yêu cầu can thiệp để khôi phục trật tự thành phố. Khi được hỏi về suy đoán các cuộc bầu cử hội đồng quận ngày 24/11 có thể bị hoãn, bà Lam kêu gọi người biểu tình dừng các chiến thuật bạo lực để thành phố có thể tổ chức bầu cử "kịp thời và công bằng".
Biểu tình bùng phát ở Hong Kong ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 nói rằng tình trạng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình một quốc gia, hai chế độ. Ông Tập khẳng định ngăn chặn bạo lực, kiểm soát bạo loạn và khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách đối với Hong Kong.
Huyền Lê (Theo SCMP, AFP, Telegraph)
- Bộ Y tế tiếp tục Khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (10/08/2020)
- MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM "Vương quốc hàu" Long Sơn (07/08/2020)
- Khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 (01/08/2020)
- Tín hiệu lạc quan từ thu hút đầu tư vào KCN (23/07/2020)
- Từ 15/7, mua vé tàu đường sắt và thanh toán trực tuyến trên điện thoại như thế nào? (14/07/2020)
- VỀ VỤ HỌC SINH TRƯỜNG THCS BÌNH CHÂU ĐÁNH BẠN Nhà trường, gia đình cần quan tâm chăm sóc, giáo dục chặt chẽ hơn (13/07/2020)
- Thuận tiện cho người dân (03/07/2020)
- Vũng Tàu thu phí đậu ôtô lòng đường (30/06/2020)
- Chấm dứt thu tiền điện tại nhà (29/06/2020)
- Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nói về văn hóa gia đình Việt (28/06/2020)