Số lượt truy cập: 3222191
Đang online: 337
Với khả năng sáng tạo, tính ứng dụng cao và mức độ hoàn thiện sản phẩm
tốt, dự án Đồng hồ thông minh đếm nhịp tim và bước đi của đội thi PIF.Deadline
đến từ Đại học Bách Khoa TP. HCM đã đoạt ngôi quán quân cuộc thi sáng tạo MCU
(vi điều khiển) dành cho sinh viên Việt Nam.
Vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Thiết kế ứng dụng với MCU (vi điều khiển), do công ty điện tử bán dẫn và công nghệ xử lý tín hiệu số Texas Instruments (TI) tổ chức đã diễn ra vào ngày 02/12 vừa qua, với 9 đội thi xuất sắc nhất đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Cuộc thi năm nay chứng kiến sự gia tăng về số lượng đội tham dự cũng như tỉ lệ các nhóm là sinh viên trẻ năm thứ 2, thứ 3 nhiều hơn hẳn. Ngoài ra, các đề tài dự thi được đánh giá cao cả về mặt khả dụng lẫn tính sáng tạo vượt trội.
Trên nền bộ xử lý chính là MSP430 hoặc Tiva ARM Cortex-M4F của TI, các đội tham gia thi đã cho thấy khả năng sáng tạo của mình qua việc lập trình các chức năng sáng tạo cho thiết bị điện tử mong muốn trên bo mạch MCU mẫu hoặc tự thiết kế phần cứng cũng như phần mềm riêng. Bên cạnh cơ hội áp dụng chuyên môn vào thực tiễn, rèn luyện khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh và bảo vệ đề tài trong các tình huống vấn đáp với Ban Giám Khảo, các đội thắng cuộc sẽ được nhận giải thưởng của TI với tổng giá trị lên đến 10000 USD, học bổng Sunflower Mission's Engineering & Technology và giải thưởng Hella Entrepreneurship với tổng giá trị 1500 USD.
Sau nhiều vòng thi đầy cam go, đội PIF.Deadline đến từ Đại học Bách Khoa TP. HCM đã gây ấn tượng cho ban giám khảo với dự án Đồng hồ thông minh đếm nhịp tim và bước đi - Smart Watch và giành giải quán quân chung cuộc. Chiếc đồng hồ thông minh này có thêm bộ cảm biến ở ngón tay cái, trực tiếp truyền thông tin về nhịp tim, đếm bước đi, giúp cho người sử dụng biết được những thông số quan trọng của cơ thể như: nhịp tim, huyết áp, chiều cao, cân nặng… Đồng thời, việc thiết lập chế độ tập luyện phù hợp hơn với chỉ số sức khoẻ một cách đơn giản.
Ông Nguyễn Hữu Quốc - Giám đốc kinh doanh khu vực của TI, thành viên Ban Giám Khảo nhận định: "Dự án Đồng hồ thông minh này có mức độ hoàn thiện sản phẩm tương đối vượt trội, sản phẩm chạy thử cho số liệu ổn định, chính xác. Để quy tụ nhiều tính năng phức tạp trong 1 chiếc đồng hồ nhỏ, khối lượng công việc, khả năng tổ chức và ứng dụng các linh kiện của nhóm rất đáng khen ở trình độ và cơ cấu chỉ gồm 3 sinh viên, khi so sánh với các công ty, tập đoàn lớn có hàng ngàn nhân sự để thực hiện sản phẩm".
Giải nhì và giải ba lần lượt được trao cho đội Scorpion (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) với dự án King Chair - Ghế vua và đội SPARC_Heart (Đại học Bách Khoa Hà Nội) với dự án Ứng dụng Android theo dõi điện tâm đồ để kiểm tra sức khoẻ từ xa. Dự án King Chair ngay sau khi thuyết trình đã nhận được sự quan tâm, thích thú từ những nhà đầu tư cũng như khán giả đến tham dự cuộc thi. Chia sẻ về ý tưởng của mình, bạn Huỳnh Tấn Lĩnh, 1 thành viên trong đội Scorpion cho biết: "Xuất phát từ thực tế những ca học sáng và chiều tại trường nối liền nhau, buổi trưa ngồi học và nghỉ tại thư viện thường rất ngắn và buồn ngủ, em đã nghĩ đến ý tưởng có 1 chiếc ghế có thể thư giãn, nghe nhạc, massage, ngả ghế để nghỉ mà không tốn diện tích. Khi tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế của những người làm văn phòng thì dự án của e có thể phục vụ một nhóm đối tượng rất lớn và đặc biệt mang lại sức khoẻ cho mọi người".
Dự án Cánh tay Robot điều khiển qua cử chỉ con người được thực hiện bởi đội BK-ARIGATO đến từ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã gây xúc động lớn cho toàn bộ khách mời tham dự vòng chung kết bởi tính nhân văn sâu sắc và giành giải thuyết trình ấn tượng của cuộc thi năm nay. Trong video clip chia sẻ của một trong những người khuyết tật đã sử dụng thử sản phẩm, các bạn đều có một mong muốn từ khi sinh ra đó là có được một cánh tay như bao người bình thường, để làm những việc đơn giản nhất. Đội BK-ARIGATO khẳng định sẽ hoàn thiện sản phẩm cánh tay 3D để có hình dáng và cử chỉ gần nhất với tay thật. Sau đó, đội sẽ kết hợp với các tổ chức Phi Chính Phủ nhằm hỗ trợ sản phẩm đến những người khuyết tật. Bên cạnh đó, giải đề án tiềm năng đã được trao cho đội PIF.QuadQuack đến từ Đại học Bách Khoa TP. HCM với đề án sáng tạo mang tính giải trí cao Điều khiển mô hình máy bay trực thăng sử dụng cử chỉ tay người.
Cuộc thi Thiết kế MCU nằm trong dự án toàn cầu Hỗ trợ các trường đại học của TI và đã được tổ chức thành công tại các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nhằm khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao trải nghiệm của sinh viên với quá trình thiết kế hệ thống chip vi điều khiển.