Số lượt truy cập: 3222431
Đang online: 397
1. Điều kiện đầu tiên để áp dụng phương pháp sạ ngầm là nước trong: vì nước đục, che ánh sáng, lúa sẽ không quang hợp được và chết, như vậy không phải vùng nào cũng sạ ngầm được, vùng có ưu thế để sạ ngầm là: Vùng đất phèn, đặc biệt là vùng đất phèn nặng (chất phèn sẽ làm lắng phù sa và làm cho nước trong nhanh).
2. Chỉ khi nước rút ló bờ mới được sạ: cần củng cố bờ vùng, bờ thửa và hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng cho tốt. Lý do: i) tránh cua, cá ở bên ngoài xâm nhập vào ăn hạt giống, ii) tránh mất phân.
3. Mực nước lúc sạ: Từ 20-40cm là phổ biến nhất. Địa hình cao, nước rút nhanh có thể sạ ở mức 40cm. Địa hình trũng, nước rút chậm, có thể chờ nước rút đến 15-20 cm mới sạ. Nói chung canh chiều cao mực nước cũng chưa đủ, cần canh tốc độ nước rút sao cho sau khi sạ 2 tuần, cây lúa mọc khỏi mặt nước là sạ ngầm thành công. Sạ ở mức nước quá thấp <10 cm, dưới sức nóng mặt trời, lớp nước trên ruộng sẽ quá nóng, luộc mầm, lúa chết. Sạ ở mức nước quá cao (>50cm) cây lúa nằm lâu trong nước sẽ yếu về sau đẻ chồi kém và cho năng suất rất thấp.
4. Đóng tất cả cống bọng lại trước lúc sạ để: i) Tránh tạo dòng chảy, nếu có dòng chảy sẽ làm nước đục và cây lúa mới mọc quá yếu sẽ đổ ngã theo dòng chảy làm hư lúa, tróc gốc và ii) Tránh cua, cá, ốc từ bên ngoài ruộng lúa vào ăn mầm của hạt giống.
5. Tiến hành lồng trục 2 lần (tốt nhất là 3 lần) trước khi sạ (để có lớp đất mặt tơi, nhuyễn) và vơ cỏ thật sạch. Nếu còn xác cỏ trên ruộng lúa, hạt giống sẽ nằm trên cỏ và bị nổi về sau.
6. Giống lúa: Chọn giống lúa chịu phèn và chỉ được phép ngâm ủ "búp" vừa nứt nanh trắng, có nghĩa là không để mầm ra rễ quá dài (sạ xuống dễ bị nổi). Kỹ thuật ngâm ủ là: Ngâm 24-36 giờ, ủ 12-24 giờ là đủ (cướp ngót), cần ủ ấm, đảo đều. Có thể xử lý hạt giống bằng các hoạt chất kích kháng, tăng sức nảy mầm cho hạt giống. Lượng giống cho sạ ngầm (giống tốt: 140-160 kg/ha) cao hơn khuyến cáo cho sạ gác (100-120 kg/ha).
7. Trộn giống với phân lân nung chảy: Sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển (400 kg/ha) là tốt nhất (về sau sẽ bớt lượng phân DAP). Sạ ngầm tuyệt đối không dùng phân lân dễ tan khi cây lúa còn nằm trong nước như DAP, super lân (Lâm Thao, Long Thành) khi cây lúa còn nằm trong nước vì sẽ tạo váng, đóng rong che ánh sáng, rong quấn cây lúa, lúa sẽ bị chết). Sau khi cây lúa ló lên khỏi mặt nước mới bón các dạng lân dễ tan.
Biện pháp trộn giống (giống búp) với lân nung chảy (biện pháp được nông dân đánh giá là độc đáo) được khuyến cáo như sau: Tỷ lệ trộn 1:1, cách làm: Bao giống sau khi ủ nứt nanh trắng mang nhúng xuống nước, xách lên, nước đang chảy ròng ròng, trải mỏng hạt giống ra và khui bao lân nung chảy dạng bột, rắc phân lân nung chảy lên và trộn đều, trộn xong đến đâu, mang gieo ngay đến đó. Lượng phân lân nung chảy còn lại (của tổng số 400 kg/ha) sẽ được tiếp tục bón lót xuống ruộng. Biện pháp áo lân hạt giống cùng với việc đóng tất cả cống bọng lại sẽ hạn chế rất lớn tác hại của cua, cá, ốc (sạ ngầm với cách này không dùng nông dược để diệt cua, cá, ốc).
8. Hạn chế lội xuống ruộng: Sau khi sạ xong, hạn chế tối đa người và gia súc lội xuống ruộng (lội xuống làm nước đục, chết lúa).
9. Nên bón urê để thúc mầm từ 1-3 ngày sau sạ: Lượng từ 20-50 kg/ha (tùy độ đục của nước, nước đục bón 50kg/ha).
10. Xử lý tình huống: Trong trường hợp nước quá đục, mực nước <20 cm cây lúa từ từ sẽ mọc lên. Nếu mực nước >20cm cần tiến hành đặt máy bơm 2 góc ruộng, bơm với lưu lượng vừa phải (tránh dụm lúa, nổi lúa) để loại bỏ lớp nước đục (sau đó nước mội sẽ xì lên và có độ trong hơn).
PGS TS Mai Thành Phụng
Nguồn tư liệu: TT. Khuyến Nông Khuyến Ngư Tỉnh BR-VT