TẠI KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TẬP TRUNG TÓC TIÊN (HUYỆN TÂN THÀNH): Nhà máy xử lý rác "đói"... rác!
02/08/2016
Khu xử lý chất thải tập trung 100ha tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) được thành lập từ năm 2007 với mục đích tập trung các dự án xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng, gần 10 năm qua, nhiều dự án trong khu xử lý này vẫn rơi vào tình trạng thừa công suất, thiếu nguyên liệu.

Nhiều dự án xử lý chất thải trong khu XLCTTT Tóc Tiên hiện mới chỉ hoạt động 40-75% công suất. Trong ảnh: Xử lý chất thải rắn nguy hại bằng công nghệ đốt tại Công ty CP môi trường Sao Việt.

“NHẬP KHẨU” RÁC TỪ CÁC TỈNH, THÀNH BẠN

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh 1.320 tấn chất thải rắn (CTR). Tỉnh đã cấp phép cho 13 dự án đầu tư vào khu xử lý chất thải tập trung (XLCTTT) Tóc Tiên. Hiện nay, mới có 4 dự án chính thức đi vào hoạt động nhưng tổng công suất đã lên đến 1.423 tấn CTR/ngày. Ngoài ra, còn 6 dự án đang trong quá trình vận hành thử nghiệm với tổng công suất thiết kế 980 tấn CTR/ngày. Như vậy, 10 dự án tại khu XLCTTT có tổng công suất 2.403 tấn CTR/ngày. Nghĩa là công suất thiết kế của các nhà máy trong khu XLCTTT đã vượt xa lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh. 

Trong 10 dự án nói trên, có 5 dự án xử lý CTR nguy hại với công suất 236 tấn/ngày. Nhưng trên thực tế, CTR nguy hại trên địa bàn tỉnh chỉ phát sinh 170 tấn/ngày (chưa bao gồm bụi lò và xỉ thép). Công suất thiết kế lớn, lượng chất thải phát sinh không đủ để xử lý nên cả 5 dự án xử lý CTR nguy hại trong khu XLCTTT Tóc Tiên hiện nay đều rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào. Chủ một DN xử lý chất thải nguy hại cho biết, nhiều năm qua, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 21,64 tấn/ngày, trong khi đó công suất thiết kế 69 tấn/ngày. Thống kê của Sở Xây dựng cũng cho thấy, dự án của Công ty TNHH Đại Nam (xử lý bùn sinh khối, chất thải hầm cầu); dự án xử lý CTR công nghiệp và sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina… đều chỉ mới hoạt động 40-75% công suất, thậm chí hoạt động xử lý CTR công nghiệp không nguy hại của Công ty TNHH Kbec Vina chỉ đạt 7,9% công suất thiết kế.

Do trong tỉnh không đủ nguyên liệu đầu vào nên nhiều nhà máy đã nhận chất thải ngoài tỉnh như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… về xử lý tại khu XLCTTT Tóc Tiên. Chẳng hạn, Công ty CP môi trường Sao Việt (hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTR nguy hại) nhận 2.258 tấn chất thải/năm từ các tỉnh, thành khác về xử lý. Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc vận chuyển chất thải từ nơi khác về địa phương xử lý, đặc biệt là chất thải nguy hại tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất thải có thể rơi vãi trong quá trình vận chuyển; nước rỉ rác vương vãi dọc đường nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm quy chuẩn.

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Công ty TNHH Kbec Vina.

QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU XỬ LÝ RÁC TÓC TIÊN

Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng, khu XLCTTT Tóc Tiên là khu xử lý chất thải hỗn hợp, có diện tích lớn, các nguồn chất thải đầu vào có những đặc điểm, tính chất và thành phần khác nhau. Do không lập quy hoạch ngay từ đầu nên quá trình kêu gọi đầu tư và quản lý khai thác trong khu XLCTTT Tóc Tiên đã bộc lộ bất cập. Chẳng hạn việc xác định nguồn thải (khối lượng, thành phần chất thải…) khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được xem xét kỹ dẫn đến mất cân đối giữa tổng công suất các sơ sở xử lý và nhu cầu xử lý chất thải của tỉnh.

Trước thực trạng này, theo Sở Xây dựng, để định hướng tốt cho việc quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung và các cơ sở xử lý chất thải trong khu xử lý, Sở Xây dựng đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho khu XLCTTT Tóc Tiên. Theo đó, sẽ không chấp thuận đầu tư thêm các loại hình xử lý chất thải đã vượt nhu cầu của tỉnh như xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, xỉ thép, chôn lấp chất thải công nghiệp thông thường. Tùy tình hình phát sinh và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ xem xét thu hút thêm các dự án tỉnh có nhu cầu theo hướng khuyến khích tái chế, đốt, chỉ chôn lấp những loại chất thải không xử lý được để tiết kiệm đất. Ngoài ra, trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu XLCTTT Tóc Tiên, Sở Xây dựng đề xuất mở rộng thêm 37ha ở phía Đông. Như vậy, theo quy hoạch mới, tổng diện tích khu XLCTTT Tóc Tiên là 137,6 ha, phía Đông giáp với xã Châu Pha; phía Tây giáp với đường Hội Bài, xã Tóc Tiên và Châu Pha; phía Bắc và phía Nam giáp với đất của dân.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, cần phân chia cụ thể khu xử lý chất thải nguy hại và khu xử lý chất thải không nguy hại tại khu XLCTTT Tóc Tiên; đồng thời điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng đất, dự báo nguồn thải, phân khu chức năng…, từ đó làm cơ sở cho việc kêu gọi, sắp xếp đầu tư và đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung cho khu XLCTTT Tóc Tiên.

Tại văn bản số 90/BC-UBND do UBND tỉnh ban hành năm 2015 nêu rõ: Đối với các dự án đã cấp phép đang chuẩn bị đầu tư tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Môi trường tỉnh phối hợp với UBND huyện Tân Thành, PC49 - Công an tỉnh kiểm soát chặt chẽ nguồn thải đầu vào theo đúng giấy chứng nhận đầu tư của từng dự án, kiên quyết không cho DN đưa chất thải ngoài tỉnh vào xử lý tại khu xử lý chất thải tập trung. Đối với các dự án mới, UBND tỉnh yêu cầu Sở KH-ĐT khi tham mưu, đề xuất cấp giấy chứng nhận đầu tư phải ghi rõ trong giấy chứng nhận đầu tư nội dung “Chỉ xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh”.

 


Số lượt đọc: 3763 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác