Khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn.
15/09/2016

UBND huyện Châu Đức vừa công bố quyết định công nhận 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) trên địa bàn huyện. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của DN trong việc tạo ra các sản phẩm gắn kết với nhà nông, giúp đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo ra việc làm cho lao động địa phương, góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

SẢN PHẨM ĐƯỢC TIN DÙNG

Phân bón là một loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những loại phân bón không gây độc hại cho sản phẩm nông nghiệp và môi trường. Nhận thức vấn đề này, DNTN Sản xuất và Thương mại Thành Phương (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc) đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cá đậm đặc mang thương hiệu Thành Phương. Loại phân bón này được sản xuất từ cá phế phẩm, phơi khô, xay nhuyễn rồi pha trộn với một số hợp chất khác giúp làm tăng năng suất cây trồng, có tác dụng cải tạo đất nên được nông dân đón nhận, sử dụng để bón cho các loại cây trồng, đặc biệt là thích hợp với cây cà phê và hồ tiêu – hai loại cây công nghiệp chủ lực của huyện Châu Đức. Bình quân mỗi năm, cơ sở này cung cấp hơn 800 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cá đậm đặc cho bà con nông dân trong tỉnh và các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ sử dụng cho sản xuất. Nhờ vậy, phân bón hữu cơ vi sinh Thành Phương được công nhận là SPCNNTTB cấp huyện, cấp tỉnh và cấp khu vực phía Nam năm 2016.

Ông Lương Văn Phương, chủ DNTN Thành Phương cho biết, do được sự tin dùng của bà con nông dân đối với phân bón hữu cơ vi sinh, nên sau khi trừ chi phí sản xuất, còn thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm. Hiện cơ sở sản xuất có 6 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. “Nếu được hỗ trợ vốn của chương trình khuyến công hay vốn vay ưu đãi, tôi sẽ đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho lao động tại chỗ nhiều hơn”, ông Phương tin tưởng nói.

Còn sản phẩm mật sữa ong chúa và sản phẩm mật ong thiên nhiên của Cơ sở Anh Tiến (khu phố 5, TT. Ngãi Giao) đã tạo được sự tin cậy của thị trường, được công nhận là SPCNNTTB cấp huyện, cấp tỉnh năm 2016. Ông Nguyễn Minh Tiến, chủ cơ sở sản xuất, mua bán mật ong Anh Tiến chia sẻ: Gia đình ông đã làm nghề nuôi ong bán mật từ những năm 90 của thế kỷ trước. Người nuôi ong như dân du mục, quanh năm đem đàn ong nuôi đi khắp vùng mỗi khi các vườn nhãn, cam, sầu riêng, chôm chôm… vào mùa ra hoa để cho ong hút mật. Nuôi ong đã khó, tiêu thụ sản phẩm mật ong càng khó hơn vì trên thị trường luôn có mật ong thật, giả khó phân biệt làm cho người tiêu dùng e ngại, dè chừng. Để mật ong của mình được thị trường chấp nhận, ông Tiến đã mạnh dạn làm hồ sơ, tự đi trưng cầu xét nghiệm sản phẩm và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm này đã được thị trường các tỉnh miền Đông Nam bộ chấp nhận, giúp cho việc tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. 

Năm 2010, Công ty CP Honey Booy (TP.Hồ Chí Minh) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mật ong Anh Tiến. Vì thế, ông Tiến đã mạnh dạn đầu tư 5,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất với các công đoạn lọc, lượt, lắng, hạ thủy phần… để cho ra sản phẩm mật sữa ong chúa (95% mật ong thiên nhiên hòa trộn với 5% sữa ong chúa) bảo đảm chất lượng, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 50 tấn. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất mật ong thiên nhiên, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn.

Sản xuất, gia công cuộn cảm Model SC-15-101K tại Công ty TNHH Tùng Sơn.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Công ty TNHH Tùng Sơn (thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn) là DN sản xuất cuộn cảm Model SC-15-101K, được công nhận SPCNNTTB cấp huyện, cấp tỉnh và cấp khu vực năm 2016. Ông Dương Văn Thắng, Giám đốc Công ty cho biết, cuộn cảm Model SC-15-101K là linh kiện sinh ra từ trường khi có dòng điện chạy qua, dùng để lắp ráp vào các thiết bị điện tử. Mỗi năm, công ty có thể gia công sản xuất tới 16 triệu cuộn cảm và được Công ty Nec Tokin (Đồng Nai) bao tiêu sản phẩm. Để có thể đáp ứng số lượng sản phẩm lớn như vậy, công ty đã đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất, tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động chủ yếu là người ở xã Xuân Sơn, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở dệt lưới Bá Phước (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành) chuyên sản xuất lưới nuôi trồng thủy sản, sản phẩm này được công nhận đạt SPCNNTTB cấp huyện năm 2016. Đây là một trong 12 mặt hàng lưới dệt, lưới đan phục vụ nuôi trồng, đánh bắt hải sản cho bà con ngư dân cũng như các nhu cầu khác về lưới che sản xuất rau an toàn, lưới bóng chuyền, bóng đá, võng… do cơ sở sản xuất. Ông Văn Bá Phước, chủ cơ sở cho hay: Do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều, nên ngoài việc dệt lưới, đan lưới tại cơ sở, ông Phước còn thu mua nhiều sản phẩm khác của 20 hộ dân trong thôn để bán cho các đại lý trong và ngoài tỉnh với doanh thu hơn 600 triệu đồng/tháng. Qua đó, cơ sở dệt lưới Bá Phước cùng với các cơ sở khác trong thôn đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức – ông Nguyễn Công Vinh, cho biết: Trong số 11 SPCNNTTB của huyện, có 2 sản phẩm đạt cấp huyện, 6 sản phẩm đạt cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt cấp khu vực phía Nam năm 2016. Các sản phẩm này đều được sử dụng có hiệu quả vào quá trình sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cùng với việc biểu dương khen thưởng các DN có SPCNNTTB, huyện cũng khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất tiếp tục cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu. Theo đó, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị sử dụng, giá trị xuất khẩu. “Huyện cũng mong các ngành, các cấp có sự hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất thực hiện các đề án khuyến công, mạnh dạn đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm có lợi thế phát triển, lợi thế cạnh tranh, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, gắn phát triển SPCNNTTB với xây dựng nông thôn mới của huyện”, ông Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.

 


Số lượt đọc: 3523 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác