Đôi điều về truyện tranh thiếu nhi.
17/02/2017
Truyện tranh như người bạn am hiểu tâm lý lứa tuổi học đường, mang đến cho các em niềm vui và giải trí sau những giờ học căng thẳng. Nhưng gần đây, truyện tranh đang phát triển tràn lan, thiếu kiểm soát, ngôn từ của một số truyện mang tính “chợ búa”, không chỉ tác động đến tư duy ngôn ngữ, mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm hồn và nhân cách của người đọc trẻ tuổi.

Nền văn học của bất cứ quốc gia nào cũng chứa đựng trong nó một bộ phận không thể thiếu là “văn học thiếu nhi”. Thế hệ 7X chúng tôi say sưa với Đất rừng Phương Nam (Đoàn Giỏi), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán)… rồi đến Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bêtô, Đảo mộng mơ (Nguyễn Nhật Ánh)… Những câu văn đẹp, khơi gợi bao cảm xúc và ước mơ với trí tưởng tượng trong veo của trẻ con: “Nhìn xung quanh, tôi không biết để đâu cho hết bâng khuâng. Quay sang bên cạnh, thấy Trũi cũng đương đờ ra. Hai cái râu Trũi hơi đụng đậy, chắc cu cậu đương xúc động lắm. Bè chúng tôi không còn ở trong dòng sông xinh đẹp hôm qua với hai bờ cỏ non xanh tươi mà bây giờ chúng tôi đương trôi vào quãng mênh mông…” (Dế Mèn phiêu lưu ký). Chú Dế Mèn trong tưởng tượng của lũ chúng tôi mỗi đứa mỗi khác, đứa thì cho rằng nó màu xanh đen với tấm áo mỏng, đứa lại cho là nó màu nâu với đôi mắt to tướng… Và hình như những câu chuyện của hồi ức tuổi thơ luôn ảo diệu, bí ẩn và đẹp mơ màng…
Nhưng cùng với sự phát triển của đời sống hiện đại, càng về sau, truyện tranh thiếu nhi ngày càng lấn át những tác phẩm văn chương thuần túy. Vào đầu những năm 1990, truyện tranh Việt Nam phát triển mạnh, với sự đa dạng về mọi thể loại, từ truyện tranh lịch sử, truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện trinh thám như Thánh Gióng, Thạch Sanh, Mai An Tiêm, Sọ Dừa, Truyện cổ các dân tộc thiểu số... đã làm cho đời sống văn học thêm phong phú, đa dạng, dễ dàng tiếp cận với mọi tầng lớp, mọi thế hệ độc giả. Những năm 2000, bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, Long Thần Tướng… đã khiến cho các em thiếu nhi say mê, trong đó có cả các con tôi.
Nhưng sau đó là sự xâm lấn ồ ạt của các dòng truyện tranh nước ngoài, ban đầu là của truyện tranh phương Tây, sau đó là sự xâm nhập mạnh mẽ và thống trị của truyện tranh Nhật Bản, điển hình là các truyện như: Doraemon, Bảy viên ngọc rồng... tiếp đó là sự xâm nhập, ảnh hưởng của các dòng truyện theo thể loại tình cảm lãng mạn của Hàn Quốc, Trung Quốc với các thể loại chuyển thể từ các tiểu thuyết kiếp hiệp, truyện lịch sử, truyện hoang tưởng.... bằng những hình vẽ tinh xảo, sống động cùng nội dung hiện đại. Trẻ con Việt Nam lập tức bị cuốn hút vào dòng truyện mới này, với những câu chuyện giản dị, dễ hiểu, chung quanh gia đình, bạn bè, thầy cô hoặc trinh thám nhẹ nhàng, kỳ bí… nhưng đằng sau đó là những bài học về cuộc sống. Sự lớn mạnh của ngành công nghiệp truyện tranh cho thấy nhu cầu tiếp cận truyện tranh của trẻ ngày càng lớn.
Truyện tranh hiện nay giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của trẻ em. Dù bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện sống nào, thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh, đó là một xu thế tất yếu của xã hội phát triển, bởi nó có những đặc điểm phù hợp với nhịp sống hiện đại: Nhu cầu giải trí cao, minh họa bắt mắt, ngôn ngữ ngắn gọn, người ta có thể đọc nhanh ở mọi lúc, mọi nơi mà vẫn dễ hiểu. Với thời khóa biểu dày đặc các môn học, lại còn kín lịch học thêm, truyện tranh đáp ứng được nhu cầu giải tỏa trí óc, phần nào giảm căng thẳng mệt mỏi cho lứa tuổi học đường…
Tuy nhiên, sự xuất hiện một cách tràn lan, thiếu kiểm soát về nội dung của truyện tranh đã khiến hàng loạt cảnh bạo lực (thậm chí có cả những chuyện của người lớn) xuất hiện trong các trang sách. Văn phong thiếu trong sáng, ngôn từ bị rút gọn, sử dụng tiếng “lóng”, thậm chí chửi thề… từ truyện tranh đang âm thầm ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, dẫn đến những lời nói thiếu chuẩn mực, những câu văn cụt què và cả những hành vi ứng xử không chuẩn mực với cộng đồng. Một giáo viên dạy văn tại một trường THCS nhận xét: “Ngôn ngữ trong truyện tranh ảnh hưởng khá nhiều đến cách viết văn của học sinh. Thậm chí, những câu được nhắc nhiều trong truyện tranh cũng được học sinh đưa vào trong bài văn”. Mặt khác, những hình mẫu nhân vật cũng như diễn biến truyện chủ yếu bằng tranh vẽ phần nào làm giảm đi trí tưởng tượng phong phú của giới trẻ cũng như hạn chế tư duy cảm thụ văn học đích thực.
Trước thực trạng này, Nhật Bản, xứ sở của nhiều tập truyện tranh nổi tiếng cũng lo ngại khi lên tiếng cảnh báo về những truyện tranh có nội dung không lành mạnh đang ngấm ngầm đục khoét tâm hồn giới trẻ nước này. Trong bối cảnh đó, chính quyền thành phố Tokyo đã một mặt cấm các nhà xuất bản bán những truyện tranh và phim hoạt hình có nội dung độc hại, bạo lực, tình dục... cho người dưới 18 tuổi, đồng thời kêu gọi các họa sĩ và nhà xuất bản giảm bớt các nội dung nhạy cảm trong các bộ truyện tranh và hoạt hình.
Mọi tác phẩm dù sáng tác dưới bất kỳ hình thức nào cần có định hướng về thẩm mỹ, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho lứa tuổi học đường. Mong rằng, những nhà văn Việt Nam sẽ có những tác phẩm đặc sắc ở mọi thể loại truyện cho dành cho thiếu nhi, góp phần nâng cao giá trị văn hóa tinh thần cho những công dân tương lai của đất nước.


Số lượt đọc: 2746 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác