Lễ tang của cụ bà từng tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông lúc 13h30.
Ngày 13/11, đại diện UBND TP Hà Nội cho hay, lễ tang cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng trong Tuần lễ Vàng năm 1945, diễn ra lúc 13h30 đến 15h hôm nay tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, theo nghi thức lễ tang cấp cao.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mất hôm 5/11, thọ 104 tuổi, được tiêu chuẩn an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Nhưng theo nguyện vọng gia đình, cụ bà sẽ an táng tại nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (xã Giáp Trung, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Trưởng ban lễ tang là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh gia đình cung cấp.
Theo quy định hiện hành, lễ tang cấp cao được tổ chức đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng); các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất trở lên.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, cho hay gia đình cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ là trường hợp rất hiếm có, bởi với những đóng góp to lớn cho cách mạng nước nhà nên cả vợ chồng cụ đều được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
"Căn cứ theo quy định và thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân với công lao, cống hiến của cụ Hoàng Thị Minh Hồ, việc tổ chức lễ tang với nghi thức cấp cao là cần thiết", ông Túc nói.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trước mắt thành phố và các đơn vị liên quan tập trung lo lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ.
Về căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu liên quan đến gia đình cụ Minh Hồ, hiện chưa được hoàn thiện về pháp lý, ông Hoàng Trung Hải nói đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua và cũng liên quan đến nhiều cơ quan. “Thời gian tới, sau khi anh em trong gia đình cụ bà Hồ thống nhất, thành phố sẽ tiếp tục xem xét giải quyết những vấn đề liên quan đến căn nhà này”, Bí thư Hà Nội nói.
UBND TP Hà Nội cũng đang đề nghị đặt tên ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) cho một phố thuộc quận Cầu Giấy. Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng một vai trò quan trọng.
Theo lời kể của bà, toàn bộ tài sản gia đình có được đều nhờ tiệm vải Phúc Lợi. Tiệm không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ... Mùa thu năm 1945, hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
- CLB Bóng đá BR-VT đánh bại đối thủ đang xếp thứ hai V League. (24/05/2020)
- Năng suất và giá bán các loại trái cây hè giảm mạnh. (24/05/2020)
- HUYỆN CÔN ĐẢO Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch (23/05/2020)
- Người phụ nữ chưa hết lớp 3 trở thành 'đại gia chân đất' (12/05/2020)
- Bãi biển đông vui trở lại. (10/05/2020)
- Nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử. (10/05/2020)
- Hậu COVID-19, bãi biển trở thành điểm đến "hạng thương gia" đối với du khách. (10/05/2020)
- Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. (10/05/2020)
- Vận động thi thiết kế áo dài Việt. (10/05/2020)
- Cô trò mừng vui trong ngày đầu trở lại trường. (04/05/2020)