Xây dựng Đảng Đã là cán bộ phải được lòng dân
12/12/2017

Ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ mới 1945, Bác Hồ đã sớm nhìn thấy những căn bệnh có thể làm tha hóa bộ máy quản lý quốc gia. Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu Quốc số 65 ra ngày 12-10-1945, Bác Hồ ký tên là “Chiến Thắng”, chỉ xuất bản sau lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 chưa đầy 40 ngày, Bác đã viết: “…Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.

Bác Hồ nêu rõ những biểu hiện không đúng đắn của cán bộ đối với người dân như “cậy thế cậy quyền” làm cho người dân quay lưng lại với cán bộ. Bác viết: “Những ông này không hiểu nhiệm vụ chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng…”. Bài báo nêu rất rõ: quyền lực nếu không được sử dụng đúng đắn có thể làm tha hóa con người ta rất nhanh chóng. Thậm chí càng làm cán bộ quan trọng thì càng dễ bị tha hóa nếu không có những sự tu dưỡng thường xuyên.

Đặc biệt, Bác nhấn mạnh vấn đề phẩm hạnh của cán bộ, là yếu tố then chốt trong việc thành bại của cách mạng. Nếu cách mạng không xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ phẩm hạnh thì không thể đưa cách mạng đi lên được. Bác luôn nhắc nhở việc đào tạo những cán bộ trẻ, mới và chỉ ra những biểu hiện của tệ nạn mua quan, bán chức ngay trong nền dân chủ cách mạng. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” trên báo Cứu Quốc số 45 ngày 19-9-1945 với bút danh “Chiến Thắng” Bác nhắc nhở : “Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó… những nhân viên ủy ban sẽ lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè kéo cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình…”.

Cùng với việc phê phán tệ nạn mua chức bán quyền, Bác Hồ cũng chỉ ra những lỗi lầm khác nặng nề như “cậy mình ở trong ban này ban nọ rồi muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, quên rằng dân bầu ra mình là để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân. Người cán bộ không phải là “quan cách mạng” mà phải là “công bộc của dân”.

Chúng ta đều hiểu, xây dựng phẩm chất đạo đức là một quá trình không lúc nào ngưng nghỉ, bởi con người luôn liên tục vận động, do đó không thể chủ quan, lơ là. Qua các bài báo, bài viết của Bác Hồ chúng ta thấy Người đã có một dự cảm, một tiên lượng rất sáng suốt về một Đảng cầm quyền. Cho nên trong di chúc Người nhắc: “Trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng”.

Học tập và thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Chính phủ ta đã có những cải cách có tính chiến lược, dài hạn, khẳng định mục tiêu xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa. Trong đó một giải pháp hết sức quan trọng, cấp bách là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực “Kiên quyết chống quan liêu tham nhũng… biểu hiện của sự xa dân, làm mất niềm tin của nhân dân”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã phân tích rõ tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề ra yêu cầu bức thiết phải chỉnh đốn Đảng để lấy lại niềm tin đối với nhân dân. Đảng ta đang là một Đảng hiểu dân, biết học dân, biết sửa chữa khuyết điểm, chịu trách nhiệm về những sai lầm trước nhân dân, để tạo được niềm tin với dân, khơi dậy được sức mạnh to lớn của lòng dân, đưa đất nước ta ngày một phát triển bền vững.   

 


Số lượt đọc: 2582 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác