Nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với trẻ, nhiều quốc gia chú trọng phát triển chương trình bữa trưa học đường.
ối với nhiều đứa trẻ, bữa trưa có thể là phần yêu thích nhất trong một ngày đi học. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nơi sinh sống, thực đơn bữa trưa khác biệt đáng kể và có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, theo CNN.
“Thực phẩm lành mạnh tác động đến chức năng nhận thức của trẻ, giúp khả năng học tập trở nên tốt hơn. Do đó, khi bữa trưa học đường được cải thiện, cả học sinh và nhà trường đều được lợi”, Juliana Cohen, giáo sư dinh dưỡng tại trường Y tế công cộng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho biết.
Khi thực trạng béo phì ở giới trẻ gia tăng, thực đơn bữa trưa học đường được chú ý nhiều hơn. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính bao gồm tiểu đường, bệnh tim, đột qụy, viêm khớp, thậm chí một số bệnh ung thư.
Trên toàn cầu, số lượng trẻ thừa cân hoặc béo phì tăng từ 32 triệu năm 1990 lên 41 triệu năm 2016, theo Tổ chức Y tế thế giới.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bữa trưa
“Mỹ là một trong số quốc gia đưa ra những tiêu chuẩn dinh dưỡng về bữa ăn học đường tốt nhất thế giới”, Cohen nhận định.
Tuy nhiên, cô bổ sung rằng các yếu tố khác như thời gian bắt đầu ăn trưa hoặc độ dài của bữa trưa, có thể ảnh hưởng đến cách trẻ hấp thu dinh dưỡng.
“Chúng tôi không có tiêu chuẩn quốc gia về độ dài của thời gian ăn trưa, kết quả là mỗi trường một kiểu. Một số trẻ chỉ ăn trong 15 phút, một số trẻ dành nhiều thời gian hơn”, chuyên gia dinh dưỡng nói.
Giáo sư dinh dưỡng Juliana Cohen. Ảnh: Harvard University
Năm 2015, cô dẫn dắt thực hiện một nghiên cứu cho thấy thời gian ăn trưa ngắn có liên quan đến việc ăn uống ít lành mạnh ở trẻ em.
Cohen khảo sát 1.001 học sinh từ lớp 3 đến lớp 8, thuộc sáu trường tiểu học và trung học cơ sở ở các khu học chánh thu nhập thấp trên khắp tiểu bang Massachusetts. Thời gian ăn trưa của các em từ 20 đến 30 phút. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng học sinh ít có khả năng chọn trái cây như một phần của bữa trưa nếu chỉ có ít hơn 20 phút để ăn, so với khoảng thời gian cần thiết tối thiểu là 25 phút. Ngoài ra, khi phải ăn quá vội, học sinh có xu hướng không ăn hết các món, gồm cả sữa.
“Nghiên cứu của chúng tôi kết luận rằng lý tưởng nhất là trẻ nên ăn trưa trong tối thiểu 30 phút. Cho phép giải lao trước giờ ăn trưa cũng giúp trẻ cải thiện đáng kể mức tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, so với việc sắp đặt giờ giải lao ngay sau bữa trưa", cô chia sẻ.
Nhiều trường hợp tác với đầu bếp chuyên nghiệp để phát triển thực đơn hấp dẫn cho bữa trưa. Đây là phương án hiệu quả giúp học sinh sẵn sàng ăn trái cây và rau củ. Đối với một số em, nhiều món được phục vụ ở trường chưa bao giờ xuất hiện ở nhà, do đó các em hào hứng với bữa trưa hơn.
Tại Mỹ, nhu cầu dinh dưỡng của học sinh được hỗ trợ bởi một số chương trình liên bang, gồm Chương trình bữa trưa học đường quốc gia, ra đời năm 1946. Theo đó, học sinh các trường công lập và tư thục phi lợi nhuận, các cơ sở chăm sóc trẻ em được cung cấp bữa trưa miễn phí mỗi ngày.
Năm 2014, chương trình cung cấp bữa ăn cho khoảng 30 triệu trẻ em mỗi ngày đến trường, chi phí 12,7 tỷ USD. Hai năm sau, mức chi tăng lên thành 13,6 tỷ, phục vụ bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá cho 30,4 triệu học sinh.
Bữa trưa lành mạnh rất quan trọng ở Mỹ bởi tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên béo phì đã tăng gấp ba kể từ những năm 1970, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Ước tính, gần một phần năm số người ở tuổi đi học bị béo phì.
Bữa trưa lý tưởng ở trường học Nhật Bản
Đối với Cohen, xứ sở mặt trời mọc mang đến ý tưởng tuyệt vời về bữa trưa trường học. Cô may mắn được trải nghiệm và đặc biệt ấn tượng bởi việc học sinh phân công lịch phục vụ lẫn nhau trong mỗi bữa trưa.
"Trẻ có thể ngồi trong lớp học để ăn trưa, trong một môi trường vô cùng thoải mái. Các em sẵn sàng nếm mọi loại thức ăn trên khay và còn cảm ơn những người đã dành thời gian để nấu bữa ăn đó", cô kể lại.
Trường học Nhật Bản để học sinh tự phục vụ bữa trưa. Ảnh: Kyodo News
Tuy vậy, các bữa còn lại trong ngày của học sinh Nhật Bản phụ thuộc vào thu nhập của hộ gia đình, theo nghiên cứu công bố năm ngoái trên Tạp chí Y tế Công cộng.
409 nam sinh và 427 nữ sinh lớp 5 thuộc 19 trường ở phía đông Nhật Bản ghi lại hình ảnh các bữa ăn trong bốn ngày, với sự hỗ trợ của phụ huynh. Hai ngày trong số đó bao gồm bữa trưa ở trường, hai ngày thì không. Phụ huynh cũng hoàn thành một bảng câu hỏi về tình trạng kinh tế xã hội để so sánh.
Theo Cohen, nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa thu nhập hộ gia đình với lượng thực phẩm và chất dinh dưỡng mà học sinh Nhật Bản nạp vào cơ thể. Bữa ăn trưa ở trường đóng vai trò đáng kể trong việc giảm sự chênh lệch về khẩu phần ăn của trẻ em từ các hộ gia đình có thu nhập khác nhau.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia khác, bữa trưa học đường còn giúp nhiều học sinh vượt qua nạn đói.
Chương trình bữa trưa học đường có mặt khắp nơi
Brazil có chương trình bữa trưa học đường lâu đời, cung cấp bữa trưa hàng ngày cho hơn 43 triệu trẻ em của đất nước, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc. Các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Brazil bắt buộc phải phục vụ bữa trưa từ năm 1955. Đến năm 2009, chính phủ yêu cầu sử dụng ít nhất 30% nông sản hữu cơ từ nông dân địa phương trong chương trình.
"Ở Brazil, chúng tôi đưa ra một số hạn chế về thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm có đường, muối, chất béo bão hòa trong thành phần", Marcela Veiros, nhà nghiên cứu thuộc khoa dinh dưỡng Đại học Liên bang Santa Catarina, Brazil, cho biết.
Cô bổ sung rằng thực đơn được phát triển và giám sát bởi các chuyên gia dinh dưỡng từ chính quyền thành phố hoặc chính quyền bang.
Bữa trưa của học sinh ở Brazil sử dụng nhiều nông sản hữu cơ. Ảnh: Philly Voice
Ấn Độ cũng là quốc gia có dự án bữa trưa học đường lớn nhất trên thế giới. Thông qua Quỹ Akshaya Patra, 1,6 triệu học sinh trường công lập ở 12 bang có bữa trưa miễn phí mỗi ngày.
Năm 2016, Chương trình Lương thực Thế giới đã thực hiện hoặc hỗ trợ các chương trình bữa ăn tại trường học ở 69 quốc gia. Tổng số học sinh được phục vụ bữa trưa tại trường là 16,4 triệu em.
Tại một số quốc gia, bữa trưa tại trường vẫn là khái niệm xa lạ. Ở khu Enugu East của Nigeria, chỉ một trường tư cung cấp bữa trưa cho học sinh, một trường công lập từng thực hiện nhưng đã hủy bỏ. Hầu hết trường khác khi được hỏi đều thừa nhận vướng mắc ở chi phí, đồng thời nhiều phụ huynh phản đối chương trình vì muốn tự chuẩn bị thức ăn cho con.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu nhận định chương trình bữa trưa học đường đang phổ biến khắp thế giới, ở mọi quốc gia có điều kiện kinh tế khác nhau.
Một khảo sát năm 2013 dựa trên số liệu của 74 quốc gia, được công bố trên tập san Thực phẩm và Dinh dưỡng, cho thấy chi phí của các chương trình bữa trưa học đường khoảng 173 USD cho một đứa trẻ mỗi năm. Khoản tiền này dao động từ trung bình 54 USD ở các nước thu nhập thấp tới trung bình 693 USD ở các nước có thu nhập cao.
- Bắt đối tượng mua bán ma túy tại địa bàn TP.Vũng Tàu. (09/06/2020)
- Sẵn sàng đón "làn sóng" du khách mới. (08/06/2020)
- Theo dấu chân tiên. (08/06/2020)
- Chiến tranh qua góc nhìn người trẻ. (06/06/2020)
- TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI NGÃI GIAO (HUYỆN CHÂU ĐỨC) Tiểu thương bỏ sạp, ra bán trên lòng, lề đường. (05/06/2020)
- 'Cô giáo tí hon' hơn 20 năm đi tìm giá trị đời mình (27/05/2020)
- Đỗ Hùng Dũng đoạt Quả Bóng Vàng (27/05/2020)
- NHỮNG NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT Trường mầm non đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 3. (26/05/2020)
- Khơi thông nguồn vốn đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường. (26/05/2020)
- Nâng bước học sinh đến trường (25/05/2020)