"Chiến sĩ áo trắng" trên mặt trận chống bệnh lao.
28/02/2019

Nhắc đến bệnh lao, nhiều người còn mang nỗi sợ vì nguy cơ lây nhiễm cao, và không ít sự kỳ thị. Thế nhưng, những năm qua, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí đã âm thầm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao, coi bệnh nhân như người thân của mình. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí (bìa phải) cùng y, bác sĩ bệnh viện xét nghiệm phân tích mẫu bệnh phẩm bằng công nghệ Gene Xpert hiện đại. Ảnh: MẠNH THẮNG

NẾU AI CŨNG CHỌN VIỆC NHẸ NHÀNG…

Bệnh viện (BV) Phổi Phạm Hữu Chí tọa lạc tại ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền. Khuôn viên BV rộng hơn 10ha, trước đây là cơ sở cũ của Trung tâm y tế huyện Long Điền, đã được sửa chữa để phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh và quản lý bệnh nhân lao trên toàn tỉnh. 

Dẫn chúng tôi đến khu điều trị bệnh lao kháng thuốc nằm tách biệt trong khuôn viên BV, điều dưỡng, y sĩ Nguyễn Thị Liên dặn dò: “Để tránh lây nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân, chị phải đeo khẩu trang chuyên dụng. Lúc tiếp chuyện bệnh nhân, chị phải đứng cùng hướng đầu gió với họ”. Thấy một bệnh nhân không đeo khẩu trang đúng quy định, chị Liên phải sang phòng bên cạnh để lấy khẩu trang y tế và tự mình đeo cho bệnh nhân. Chị nói: “Bệnh nhân lao vào đây không phải ai cũng tuân thủ nguyên tắc chống lây nhiễm. Chúng tôi thường xuyên phải nhắc họ, nhiều khi bị bệnh nhân cằn nhằn cũng phải chịu”. 

Đến nay, chị Liên đã có hơn 10 năm gắn bó với bệnh nhân lao. Chị cho biết, khi mới nhận công việc, biết phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao chị cũng rất sợ bị lây bệnh. Nhưng rồi quá trình làm việc, chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo, luôn mang tâm lý mặc cảm, tự ti sợ bị kỳ thị, xa lánh, chị nghĩ mình càng phải gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm với họ. Bởi nếu ai cũng sợ thì sẽ không ai cứu chữa cho bệnh nhân lao. “Có lần, một bệnh nhân đến phòng khám trong tình trạng khó thở đến nỗi không nói được, chỉ đưa cho chúng tôi tờ giấy yêu cầu được khám bệnh. Dù đã hết giờ nhưng thấy bệnh nhân cứ đứng chờ, tôi không đành lòng. Sau này, khi khỏi bệnh, bệnh nhân trở lại tìm tôi để nói lời cảm ơn khiến tôi rất cảm động”, chị Liên nhớ lại. 

Bác sĩ CKI Lê Hữu Bình cho biết, môi trường làm việc lây nhiễm cao nhưng bác sĩ biết cách phòng tránh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống lây nhiễm thì không có gì đáng ngại. “Bản thân là bác sĩ nếu không hiểu, cảm thông với người bệnh thì không thể gắn bó lâu dài với nghề này được, nhất là với bệnh nhân lao”, bác sĩ Bình nói. 

Đặc thù của bệnh lao là bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị lâu dài mới đạt kết quả. Hiện nay, phác đồ điều trị lao thường kéo dài 6-8 tháng (với thể lao bình thường) hoặc 18-24 tháng (với trường hợp lao kháng thuốc). Do đó, bên cạnh khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ còn phải theo dõi sát, đôn đốc bệnh nhân tuân thủ phác đồ, không bỏ trị giữa chừng, bởi việc này khiến bệnh chuyển biến xấu, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. 

HẾT LÒNG VÌ NGƯỜI BỆNH

Hàng ngày, tiếp xúc với bệnh nhân, các y, bác sĩ luôn đối mặt với căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, họ còn chịu nhiều áp lực trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân lao kháng thuốc. Điều dưỡng, y sĩ Nguyễn Thị Liên chia sẻ: “Bệnh nhân lao kháng thuốc khi vào đây thường có thể trạng rất yếu, nhiều người không thể nói hoặc nghe được bình thường nên họ hay cau có, đôi khi có những lời lẽ gắt gỏng, không chịu làm theo yêu cầu của chúng tôi. Những lúc như vậy, chúng tôi phải dịu dàng, ân cần để họ giảm bớt đi sự đau đớn, khó chịu và từ từ khuyên nhủ, động viên họ”.

BV Phổi Phạm Hữu Chí hiện có 64 cán bộ, nhân viên, người lao động; trong đó có 13 bác sĩ. BV được giao phụ trách chính chương trình phòng chống lao của tỉnh, phối hợp cùng với các BV đa khoa, trung tâm y tế huyện, thành phố, các trạm y tế. Nhiệm vụ chính của y, bác sĩ BV Phổi Phạm Hữu Chí là khám sàng lọc, xét nghiệm phát hiện bệnh nhân lao, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh nhân lao, điều trị nội trú cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Ngoài ra, BV còn tổ chức khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh về phổi, đường hô hấp như: bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc BV Phổi Phạm Hữu Chí, trong năm 2018, BR-VT phát hiện gần 1.400 ca mắc lao, trong đó gần 700 bệnh nhân lao phổi, thu dung và điều trị nội trú cho 52 ca lao kháng thuốc. Con số này giảm so với trước đây (trung bình phát hiện khoảng 1.500-1.600 ca lao/năm, trong đó lao phổi khoảng 800 ca). Mỗi năm, BV điều trị khỏi cho 1.300-1.400 ca. Kết quả đó là nhờ nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ BV Phổi Phạm Hữu Chí. “Hơn nữa, do đặc thù bệnh lao là bệnh xã hội nên chúng tôi vừa phải lo điều trị trực tiếp cho bệnh nhân vừa triển khai các chương trình phòng chống lao ở mạng lưới cơ sở. Do đó, áp lực và trách nhiệm của y, bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao là rất lớn. Dẫu vậy, vì bệnh nhân và vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng”, bác sĩ Trường Giang chia sẻ.

Bệnh nhân L.D, 47 tuổi ở huyện Long Điền, đang điều trị lao kháng tại BV chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi đã từng mắc lao nhưng do không tuân thủ điều trị nên bị lao kháng thuốc. Tôi nằm điều trị tại đây đã được 2 tuần. Y, bác sĩ luôn tận tình chăm sóc, nhắc tôi uống thuốc đều đặn, tuân thủ yêu cầu điều trị. Hiện nay, sức khỏe của tôi đã tốt hơn nhiều, bớt ho và ngủ ngon hơn so với những ngày mới vào viện”.


Số lượt đọc: 2446 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác