Tăng tốc độ Internet cho người dùng trong mùa dịch
30/03/2020

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) vừa có văn bản gửi tới các DN viễn thông về việc bảo đảm chất lượng và dịch vụ Internet, đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN, người dân trong mùa dịch COVID-19.

Theo đó, một trong những yêu cầu mà Cục Viễn thông đưa ra là các nhà mạng cần nghiên cứu, có phương án nâng băng thông đường truyền với mức giá cước không đổi cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Khách hàng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị COVID-19 chưa kịp thanh toán cước sẽ không thực hiện ngắt kết nối trong 30 ngày. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần có phương án sẵn sàng về nhân lực, thiết bị để triển khai đường dây thuê bao mới khi tiếp nhận yêu cầu, sẵn sàng khắc phục sự cố kết nối ngay khi phát hiện sự cố. Các nhà mạng cũng cần đầu tư, nâng câp hạ tầng, mở rộng dung lượng băng thông Internet trong nước qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia.

Internet quá tải gây khó cho học sinh học trực tuyến. Trong ảnh: Em Bùi Gia Tường, lớp 8.7, Trường THCS Nguyễn An Ninh, học online tại nhà.

Trong khi chờ tăng tốc độ, mở rộng đường truyền, các nhà mạng đã có một số động thái hỗ trợ khách hàng như: miễn phí các giao dịch trực tuyến khi thanh toán cước và nạp tiền online trên các ứng dụng của MobiFone; nâng tốc độ các gói Home Combo, Home Net và Home Café của VNPT; miễn phí Data cho HS, GV khi học trực tuyến; miễn phí toàn bộ cước phí cho các thuê bao di động gọi đến đường dây nóng phòng chống COVID-19 19009095 – 19003228 và khi truy cập vào trang thông tin điện tử website www.moh.gov.vn của Bộ Y tế.

Hiện nay, dịch COVID-19 lây lan rộng, khiến nhiều hoạt động của đời sống chuyển sang hình thức online. Theo số liệu thống kê trong nước, tổng lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX tăng đến 40%. Số liệu từ các nước, khu vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng có sự tăng đến 50% lượng truy cập website. Đặc biệt ở các khu vực cách ly, lưu lượng truy cập trong tháng 3/2020 tăng đến 90% so với tháng 2. Việc tăng lưu lượng này đến từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến và giải trí.

 

 


Số lượt đọc: 2223 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác