Khám phá rạn san hô lớn nhất thế giới.
11/04/2020

Great Barrier Reef được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1981 và là nơi có thể nhìn thấy rõ từ trạm không gian vũ trụ. Rạn san hô thu hút rất nhiều khách tham quan và mỗi năm đem lại khoảng 3 tỷ đô la cho Australia từ du lịch.

Rạn san hô Great Barrier Reef có hệ sinh thái đa dạng.

HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG

Nằm ở ngoài khơi Đông Bắc Australia, thuộc bang Queensland, Great Barrier Reef là rạn san hô lớn nhất thế giới, trải dài hơn 2.300km với hơn 2.900 rạn đá san hô và 900 đảo san hô lớn nhỏ khác nhau. Được tạo thành bởi hàng triệu loài sinh vật sống trong một khoảng thời gian hàng nghìn năm, rặn san hô ngày nay là một trong những hệ sinh thái đa dạng và phức tạp nhất thế giới.

Ngoài những rạn san hô kỳ vĩ, Great Barrier Reef là nơi cư ngụ của vô số các loài động vật hoang dã: 200 loài chim, 5.000 loài động vật thân mềm, 17 loài rắn biển, 400 loài san hô cứng và mềm, 500 loài tảo đại dương và tảo biển, 1.500 loài cá biển trong đó có 30 loài cá voi và cá heo quí hiếm.

Có thể nói rằng, rạn san hô Great Barrier là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất hành tinh được xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới. Trải qua biết bao biến động của thiên nhiên nhưng kỳ quan này vẫn được các du khách khẳng định là rạn san hô đẹp nhất thế giới. 

Rạn san hô Great Barrier Reef có trị giá lên tới 56 tỷ USD, tương đương với giá trị của 12 nhà hát Opera tại Sydney. Đây là lần đầu tiên một di sản thế giới được định giá một cách toàn diện về mặt thương hiệu. Cách tốt nhất để khám phá rạn san hô này là mua tour tham quan bằng tàu du lịch chạy dọc bờ biển phía bắc của Queensland. Thành phố Cairns ở phía Bắc Queensland được xem là cửa ngõ chính đến với rạn san hô. Những thị trấn khác như Townsville, Port Douglas, Yeppoon, Mission Beach và Cooktown cũng có tàu tham quan tương tự.

NỖ LỰC BẢO TỒN

Great Barrier Australia reef đang đối mặt nguy cơ biến mất do hiện tượng tẩy trắng san hô ngày càng nghiêm trọng. Những năm trước, hiện tượng này xảy ra với mức độ và quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Tình trạng tẩy trắng san hô ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người, khi các đại dương phải hấp thụ khoảng 93% nhiệt lượng gia tăng của trái đất. Hệ sinh thái của Great Barrier đang bị xuống cấp nghiêm trọng do đối mặt với nhiều mối đe dọa như ô nhiễm nước và tình trạng sao biển ăn san hô. Theo Cơ quan Bảo tồn hàng hải Australia, nhiệt độ nước biển tăng do biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất. Tác động lớn và trên quy mô rộng khi nhiệt độ mặt nước biển đạt mức kỷ lục đã khiến rạn san hô chuyển từ trạng thái yếu sang rất yếu. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Great Barrier đã trải qua 4 đợt “tẩy trắng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng san hô, đặc biệt là các đợt “tẩy trắng” trong 2 năm 2016 và 2017 đã phá hủy một nửa lượng san hô tại đây. Đây là là hiện tượng mà các đợt sóng nhiệt đã khiến các loài tảo cộng sinh sống trong tế bào và cung cấp dinh dưỡng cho san hô bị cuốn đi khiến san hô bị phá hủy.

Nhằm cứu rạn san hô Great Barrier, Australia, năm 2019, Nghị viện bang Queensland đã phê chuẩn các luật mới nghiêm ngặt hơn hạn chế chất thải nông nghiệp vào các vùng nước xung quanh rạn san hô lớn nhất thế giới này.

Luật mới hạn chế các nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước rất kém trong vùng biển có rạn san hô, như các chất cặn và thuốc trừ sâu từ các trang trại ven biển thải ra. Luật mới cũng tăng số lượng các ngành sản xuất và khu vực bị hạn chế đưa chất thải ra biển. Theo Bộ trưởng Môi trường bang Queensland Leanne Enoch, rạn san hô Great Barrier đang đối mặt nguy cơ lớn là bị đặt vào danh sách Di sản thế giới bị đe dọa nếu các đạo luật trên không được thực thi trước cuộc họp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), dự kiến diễn trong năm nay. Trước đó, UNESCO đã yêu cầu cập nhật về tình trạng của rạn san hô Great Barrier để có thể quyết định xem khu vực này còn giữ được danh hiệu Di sản thế giới hay không.

Ngoài việc thông qua luật mới, chính quyền bang Queensland còn tuyên bố một số cảng ở khu vực gần rạn san hô Great Barrier sẽ được trang bị hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm nhằm đối phó với sự xuất hiện của các loài sinh vật biển gây hại cho môi trường biển trong khu vực. Một số máy dò tìm sẽ được đưa xuống dưới bề mặt nước trong khoảng 2 tháng, sau đó các mẫu vật sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của các loài sinh vật biển gây hại. Giới chuyên gia kỳ vọng loại “mắt thần” này có thể phát hiện các loài gây hại cho môi trường sống dưới biển như vẹm xanh châu Á, vẹm sọc đen, vẹm châu Á, vẹm nâu, cua bùn Harris và rong biển Nhật Bản.

 

 


Số lượt đọc: 2136 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác