Chị em một nhà
11/04/2020

Chị em có chuyện gì thì nhẹ nhàng nhắc nhở nhau, chứ đứa nào cũng mặt nặng mày nhẹ như vậy, mẹ chán lắm. 


Bà Hoa nói vậy rồi tắt máy. Thư cầm chiếc điện thoại trên tay, buông người xuống ghế. Bình thường, cứ cuối tuần, chị em Thư lại đưa các con về chơi với bố mẹ. Có các cháu về, nhà cửa lúc nào cũng rộn tiếng cười, ông Thành bà Hoa vui lắm, như trẻ lại bao nhiêu tuổi. Những lần về chơi, chị em Thư thường tranh thủ làm giúp bố mẹ việc vườn tược. Cũng chẳng nặng nhọc gì, cánh chị em cùng mẹ nhổ cỏ, em trai phụ bố đánh ít cây non như chuối, cau ra trồng. Mà có khi cả nhà tập trung nấu ăn, quây quần suốt một ngày. 

Minh họa: MINH SƠN

Bữa đó, cũng sau khi ăn cơm tối, mấy chị em Thư dọn dẹp xong thì ngồi xúm bên bàn uống nước chuyện trò rôm rả. Rồi trong lúc nói đến mấy đứa nhỏ, em trai Thư phàn nàn:

- Thằng Tâm làm biếng lắm, lớn nhất mà chẳng chịu giúp ông bà việc nhà gì cả. Lúc nào cậu về cũng thấy mày ngồi xem phim hoạt hình. 

Thằng Tâm nghe cậu phê bình thì thanh minh:

- Cháu giúp ông bà trông các em đấy thôi. 

- Này, ông bà còn bao nhiêu việc, mày cũng nên quét cái nhà, lau dọn bàn ghế, nhặt rau,… Ôi dào, kể ra thì nhiều lắm. Nói chung 10 tuổi rồi, có việc gì vừa sức thì phải tự biết mà làm. Suốt ngày chỉ ăn với chơi thôi là không được. 

- Cháu còn ôn bài và chỉ các em học nữa đấy. 

- Mày chỉ được cái lý do, giỏi bao biện. 

Em gái Thư nói vui:

- Nó giống cậu đấy. Lười làm, vụng chèo khéo chống. Làm thì ít nhưng được cái giỏi nói. Ngày cậu chưa lấy vợ, cả năm chả bao giờ chị nhìn thấy cậu cầm cái chổi quét nhà. 

- Thế, cháu giống cậu mà.

Thằng Tâm nghe mẹ nói thì cười cười chọc cậu rồi lảng ra chỗ ông bà đang ngồi chơi với các em. Em gái Thư cứ vừa cầm điện thoại lướt Facebook vừa nói:

- Như chiều nay, mình bố đánh cái gốc cây bạch đàn tuần trước cưa xuống ấy, mệt phờ râu mà cậu mợ vẫn ngủ tít trong phòng, giữa chiều mới dậy. Này, chị em mình về thôi không muộn quá. Gần 21 giờ rồi đây này.

Dường như câu nói vui của em gái khiến em trai không vui. Thư nhận thấy vậy qua ánh mắt của em trai và qua cả nét cười gượng gạo của em dâu. Nhưng em gái lại chẳng để ý, nói xong thì chuẩn bị ra về. 

Thư thở dài. Tưởng chuyện chỉ có vậy rồi xong. Ai dè về nhà rồi, vợ chồng em trai nhắn tin lên nhóm gia đình kiểu trách móc giận dỗi, rồi em gái cũng kể những điều chưa được của các em,... Lời qua lời lại suốt mấy ngày sau đó. Thư tìm cách giảng hòa nhưng đứa nào cũng muốn cho là mình đúng rồi người kia sai. Cuối cùng là nhóm messenger của gia đình im bặt, chẳng ai buồn vào đó, chẳng còn những tin nhắn hỏi han, những hình ảnh khoe con học, con ăn, con múa hát như mọi khi nữa. Rồi mấy đứa giận lây sang cả Thư, đứa nào cũng cho là chị cả đang bênh người kia. Chuyện chỉ có vậy, từ câu nói đùa cỏn con mà cuối cùng lại mang không khí nặng nề. Đứa nào cũng muốn tránh mặt nhau. Cuối tuần gia đình cậu em về nhà với bố mẹ thì em gái sẽ không cho 2 đứa con xuống nữa. Mặc kệ bọn nó nằn nì rằng nhớ ông bà, nhớ em Bi. Thư đang tính xem nên nói thế nào để các em hiểu và vui vẻ lại như trước thì có điện thoại:

- Em không chịu được nữa rồi! Chị thấy cậu ấy nhắn không? Kiểu như em ăn ở không phải, tị nạnh, chấp nhặt cậu ấy.

- Thôi, dì nghe chị. Chị em chín bỏ làm mười, có gì không nên không phải thì nhẹ nhàng nói với nhau…

- Thì em cũng chỉ nói vậy. Có thế nào em nói vậy, có gì sai đâu. Cậu nên biết thế mà sửa chứ. Đằng này còn quay lại nói em. 

- Mẹ biết rồi, mẹ buồn lắm đấy.

- Kiểu gì chẳng nói với mẹ là do em. Thế này thì em phải xuống nói cho rõ chuyện. Cẩn thận em mắng cho một trận. Lành làm gáo, vỡ làm muôi. 

- A lô, dì nghe chị đã này, a lô…

Em gái đã cúp máy. Chắc sẽ xuống chỗ bố mẹ. Thư vội vàng lấy áo khoác mặc vào rồi lái xe đi luôn. Thư sợ các em to tiếng rồi làm bố mẹ buồn. Thư chạy xe vào sân đã thấy em gái, em trai và em dâu ngồi ở bàn uống nước. Bố mẹ hình như không có ở nhà. Khuôn mặt đứa nào cũng có vẻ ấm ức, khó chịu. Thư ngồi xuống ghế, cô sẽ phân tích phải trái, đúng sai cho các em thấy. Không nên vì một chuyện cỏn con mà chị em mất hòa khí. 

- Giờ chị em có mặt cả rồi…

Điện thoại reo. Em gái tắt máy. Lại reo. 

- Dì cứ nghe điện thoại đi đã. Nhỡ ai gọi có việc cần. 

Em gái định tắt nhưng nghe Thư nói vậy thì cũng miễn cưỡng nghe. 

- A lô!... Vâng, đúng rồi!... Sao cơ!? Thằng Tâm bị tai nạn á…

Nghe em gái nói vậy, cả Thư và vợ chồng em trai sửng sốt, những khuôn mặt không giấu nổi vẻ lo lắng, hốt hoảng. Em trai như chồm nửa người lên bàn. 

- Sao rồi chị? Thằng Tâm làm sao? Giờ đang ở đâu?

- Chiều nay nó đạp xe đi đá bóng, bị tông xe ở chỗ cây xăng. Người ta đưa vào trạm xá rồi. Chảy nhiều máu…

Em gái vừa nói vừa run run, rơm rớm nước mắt.

- Vậy đi thôi. Em chở chị đi. 

- Chị cũng đi.

- Cả em nữa.

Thư và em dâu cũng sốt ruột đứng dậy chuẩn bị đi. Em trai ngăn lại.

- Chị Thư về nhà xem bọn trẻ con thế nào đã. Có gì em gọi sau. Còn em ở nhà trông con, con đang ngủ mà bỏ đi sao được. Lát bố mẹ có về thì cũng chưa nói cho ông bà vội kẻo ông bà lại cuống lên. Cứ thế đã. Giờ có kéo nhau hết lên đó cũng không giải quyết được gì. 

Lên xe rồi, em trai còn dặn với:

- Nhớ đừng ai nói cho anh Huân và anh Tấn, 2 anh ấy đang đi làm xa, có nói cũng không giải quyết được gì mà thêm lo lắng. 

Nói rồi nổ máy đi. Em trai nói phải, giờ có kéo nhau lên cũng không giải quyết được gì. Nhưng ở nhà mà chờ thế này thì sốt ruột không chịu được. Em dâu nhấp nhổm không yên. Hai bàn tay cầm chặt chiếc điện thoại như muốn bóp nó ra. Hai con chó đang nằm ở góc sân, chạy vội ra ngõ vẫy đuôi mừng.

- Hình như bố mẹ về chị ạ. 

- Thế thằng Minh với con cái Lân đi đâu mà vội vàng vậy?

Bà Hoa vừa tháo chiếc nón trên đầu xuống xua mấy con chó đang chạy quấn vào chân vừa hỏi. Bà hết nhìn con gái lại nhìn sang con dâu như muốn tìm ở hai khuôn mặt đang cố làm ra vẻ thoải mái kia một sự thật nào đó.

- Hai đứa đi có việc bố mẹ ạ. 

- Mẹ ơi, cháu đang ngủ trong nhà, lát nó dậy mẹ lấy cho cháu hộp sữa nhé. 

- Thế bay định đi đâu à?

- Dạ, con đi một lát rồi về ạ!

Em dâu vào trong nhà, khoác vội cái áo khoác rồi đi ra xe với Thư. Bà Hoa thấy con nói vậy thì cũng không hỏi gì thêm. Nhưng thấy các con đi với nhau như vậy, bà chắc rằng chị em nó không còn có khúc mắc gì với nhau nữa. Bà chợt nhớ ra, dặn với theo khi Thư đã chạy xe tới ngoài ngõ:

- Tối nay mấy đứa về cả đây ăn cơm nhé. 

Chẳng biết con có nghe tiếng hay không mà không thấy trả lời gì. Kệ! Bà cứ giục ông ra vườn đuổi bắt con gà, câu thêm con cá to to, đào ít măng. Tối nay gọi hết chúng nó xuống. Ba tuần rồi, chị em nó chưa tụ tập đông đủ, bà cũng thấy nhớ.

***

Bên mâm cơm, thằng Tâm nhăn nhó suýt xoa vì vết khâu mấy mũi trên trán. Thi thoảng nó lại đưa tay lên ôm nhẹ nhẹ bên ngoài lớp bông băng. Ai cũng bảo vẫn còn may chán. Bị xe tông như vậy mà chỉ có rách một tí lớp da bên ngoài, không gẫy chân, gãy tay, không vỡ đầu. Chiếc xe thì cong hết vành ra như thế. Người chỉ như này, không may thì là gì. Lần sau đi đứng phải ngó trước ngó sau… Chịu khó ăn vào cho bù chỗ máu bị chảy chiều nay. Một giọt máu bằng 6 bát cơm đấy nhá. Ha ha. Ừ, ăn đi. Đây, phần cho thằng Tâm cái đùi gà ăn cho nhanh khỏi này. Nó chỉ thích đầu cá thôi. Thì cho cả… Cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, rộn ràng. Bà Hoa nhìn các con, các cháu quây quần bên mâm cơm nhẹ mỉm cười. Chuông điện thoại của mấy chị em reo lên cùng một lúc, không ai nói gì nhưng chỉ cần nghe tiếng chuông reo đồng loạt như vậy mọi người đều biết đó là cuộc gọi messenger trong nhóm gia đình. Huân (chồng Thư) gọi. Em rể (Tấn) đã xuất hiện trong nhóm rồi. Hai anh em bọn họ đang nói chuyện. Thư mở máy, đặt lên một vị trí quay được cảnh cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Những lời chào, lời hỏi han, chuyện trò vang lên không ngớt. Thư gắp đồ ăn cho bố mẹ, chị thấy nhẹ lòng bao nhiêu khi các em biết bỏ qua những chấp nhặt vặt vãnh trong cuộc sống, bỏ qua sự ích kỉ của cái tôi cá nhân để quan tâm, lo lắng cho nhau. Đó là sức mạnh của tình thân, của mái ấm gia đình. 

 

 


Số lượt đọc: 2681 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác