Giống keo lai và cuộc cách mạng lâm nghiệp
02/06/2016
Keo lai hiện là loài được trồng rộng rãi trong cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng ven biển miền Trung cho đến vùng ngập phèn ở tứ giác Long Xuyên.

Diện tích trồng keo lai các loại ở nước ta đạt hơn 517.000ha. Rừng trồng keo lai sau 6 - 8 năm có thể thu được 150 - 200 m3 gỗ/ha, nhiều nơi có thể hơn 250 m3/ha. Nhờ sử dụng giống keo lai mà bà con nông dân ở các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ đã thoát được đói nghèo tiến lên làm giàu từ rừng với thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/ha với mức đầu tư chỉ từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Gỗ keo lai thẳng thớ, chắc, ít bị cong vênh, nứt nẻ và ít mấu mắt nên rất được ưa chuộng để làm đồ gỗ xuất khẩu. Hiện nay, các cơ sở chế biến gỗ thu mua với giá từ 1,5 - 3 triệu đồng/m3 để làm gỗ xẻ đóng đồ mộc xuất khẩu, cao hơn từ 1,3 - 2,5 lần giá thu mua gỗ dăm xuất khẩu. Nhiều hộ nông dân đang bắt đầu chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với luân kỳ 10 - 12 năm để thu được sản phẩm gỗ có giá trị cao, ước tính 1ha rừng keo lai kinh doanh gỗ lớn sau 10 - 12 năm có thể thu được 250 - 300 m3/ha đem lại thu nhập hơn 350 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Tiến Hùng, một nông dân ở TX Cam Lộ, Quảng Trị cho biết, hiện nay thương lái thu mua gỗ sẵn sàng trả đến 1,5 - 2 triệu đồng cho một cây gỗ dài 4 - 6m với đường kính đầu nhỏ trên 20 cm để làm gỗ xẻ đóng đồ nội thất cao cấp. "Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tỉa thưa chuyển đổi một số diện tích keo lai đang trồng mật độ dày bán gỗ dăm sang làm rừng cung cấp gỗ lớn để bán được giá cao hơn, chỉ cần sau 10 năm mỗi ha rừng bán được 400 cây làm đồ nội thất cao cấp là đã lời gấp 4 lần bán gỗ dăm chưa kể phần đầu ngọn vẫn có thể bán cho nhà máy dăm gỗ", ông Hùng chia sẻ. Để có được rừng trồng keo lai năng suất và chất lượng cao, tập thể cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu chọn, tạo giống từ đầu những năm 1990. Đến nay, Viện đã có 18 giống keo lai tự nhiên và 4 giống keo lai nhân tạo được Bộ NN-PTNT công nhận và được phát triển rộng rãi vào sản xuất. Các giống keo lai do Viện chọn tạo có năng suất vượt trội so với giống bố mẹ là keo tai tượng và keo lá tràm (năng suất 20 - 40 m3/ha/năm), thân thẳng, cành nhánh nhỏ, có khả năng thích ứng rộng, khả năng chống chịu được bệnh phấn hồng, khả năng cải tạo đất và có tiềm năng bột giấy cao. Tiến sĩ Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: “Để tạo ra được một giống keo lai mới cần ít nhất 8 - 10 năm nghiên cứu, từ tạo giống, khảo nghiệm giống và nhân giống. Trong số hàng trăm giống lai, sau 8 - 10 năm nghiên cứu có thể chỉ chọn được một vài giống thực sự tốt để phát triển vào sản xuất. Ngoài ra, có những giống có thể trồng trên diện rộng nhưng cũng có những giống chỉ phù hợp với một số vùng nhất định, vì vậy cần phải khảo nghiệm trên nhiều vùng thì mới chọn được giống tốt nhất cho từng vùng”. Giống keo lai phải được nhân giống vô tính như giâm hom và nuôi cấy mô tế bào nhằm giữ nguyên đặc tính ưu việt của giống. Các quy trình công nghệ nhân giống keo lai bằng phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô tế bào ở quy mô công nghiệp đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu thành công và chuyển giao công nghệ nhân giống này cho rất nhiều cơ sở sản xuất, từ đó đã thúc đẩy phát triển phong trào trồng rừng keo lai rộng khắp cả nước. Hàng năm, Viện cung cấp trên 300.000 giống gốc cho các đơn vị sản xuất giống và sản xuất 6 triệu cây con keo lai phục vụ nhu cầu của bà con nông dân và các công ty lâm nghiệp trong cả nước. Trong thời gian tới các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu tạo ra những giống keo lai mới vừa có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt đồng thời có khả năng kháng bệnh cũng như chống chịu gió bão tốt. Phát triển giống keo lai có thể được xem như một cuộc cách mạng của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo ra những đột phá mới của giống cây này rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành và các nhà khoa học lâm nghiệp. GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, sản phẩm gỗ keo cần phải được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia để được ưu tiên đầu tư nghiên cứu theo Quyết định số 2441/QĐ-TTTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020.


Số lượt đọc: 1236 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác