Nguyên nhân và cách hạn chế bệnh viêm khớp ở vịt siêu thịt
19/07/2016

Vịt bị sưng khớp chân là do giống vịt siêu thịt có khối lượng cơ thể lớn, nếu nuôi trên nền xi măng, khi vịt nằm dễ bị xây xát da khuỷu chân, nhiễm khuẩn gây viêm khớp.

Hỏi: Tôi nuôi 1.000 con vịt Super đẻ được 6 tháng tuổi, có một số con bị sưng khớp chân, ăn bình thường. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Trả lời: Vịt bị sưng khớp chân là do giống vịt siêu thịt có khối lượng cơ thể lớn, nếu nuôi trên nền xi măng, khi vịt nằm dễ bị xây xát da khuỷu chân, nhiễm khuẩn gây viêm khớp. Những con viêm khớp nên loại thải. Chú ý vệ sinh môi trường để hạn chế viêm khớp cũng như phát sinh bệnh khác. Hỏi: Gà con dưới 1 tháng thở không ra tiếng, mắt nhắm, gầy, yếu, chết, bỏ ăn, xù lông xã cánh, đã bị 3 - 4 ngày, sử dụng thuốc không khỏi. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Trả lời: 1. Nên mổ khám một số con yếu trong đàn, nếu túi khí viêm (túi khi bên sườn cạnh phổi) thì gà bị viêm túi khí do vi khuẩn như E.coli, điều trị bệnh bằng kháng sinh Oxytetracyclin, Gentadox, Gentacostrim, Doxygen; liều theo hướng dẫn sử dụng; kết hợp bổ sung vitamin; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi. Phòng bệnh bao giờ cũng cho hiệu quả cao nhất, thường xuyên vệ sinh, sát trùng và chăm sóc nuôi dưỡng tốt để đàn gà có sức kháng bệnh cao. 2. Nếu phổi gà có những hạt trắng, rắn thì gà bị nấm phổi, dùng Nistatin 1 viên 10.000 UI dùng cho 2kg gà hoặc mua thuốc trị nấm phổi của thú y, liều theo hướng dẫn sử dụng; kết hợp bổ sung vitamin; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi, tránh để nấm mốc trong chuồng nuôi, chất độn chuồng. Hỏi: Lúa đầu vụ mùa thường có nhiều ốc bươu vàng phát sinh gây hại, xin cho biết cách diệt ốc hiệu quả? Trả lời: Ốc bươu vàng là loài sinh vật có khả năng sinh sản rất mạnh, sức gây hại lớn (1 ốc trưởng thành ăn hết 10 - 14 dảnh lúa/ngày). Mạ non là thức ăn ưa thích của ốc bươu vàng, lúa sau gieo cấy 30 ngày trở đi chúng gây hại không đáng kể. Ốc bươu vàng cái có sức đẻ trứng lớn (1.000 - 1.200 trứng/tháng). Muốn phòng trừ ốc bươu vàng hiệu quả cần phải áp dụng nhiều biện pháp và tiến hành đồng loạt: + Thu gom ốc bằng nhiều biện pháp như bắt bằng tay, cắm cọc ở mương máng cho ốc leo lên đẻ trứng rồi thu lượm và diệt trứng. + Dùng ke, lưới chặn lỗ khi dẫn nước để hạn chế ốc theo dòng chảy xâm nhập vào ruộng lúa. + Dùng bao cát nặng kéo xung quanh ruộng trước khi cấy lúa để tạo thành rãnh nước kết hợp với việc thả các loại lá cây mà ốc ưa thích (lá đu đủ, lá khoai lang, bèo tây, xơ mít…) ở góc ruộng rồi bắt ốc. + Những ruộng có mật độ ốc cao không nên tiến hành gieo thẳng (gieo vãi) lúa. Cần sử dụng mạ dược trên 20 ngày tuổi để cấy sẽ hạn chế ốc ăn mạ non. + Dùng thuốc: Có 2 dạng hóa học và thảo mộc trong đó, thuốc hóa học là phổ biến. Ngưỡng phòng trừ là 2 con/m2, tốt nhất nên diệt trừ bằng thuốc khi kích thước ốc khoảng 3cm. Thuốc có hoạt chất Metaldehyde (tác dụng tiếp xúc, vị độc, làm ốc mất nước và chết), thường sản xuất theo dạng hạt chậm tan nên ở vùng ruộng trũng có mức nước lớn thuốc vẫn phát huy tác dụng. Thuốc này an toàn với cá, tôm nên có thể dùng cho ruộng lúa - cá và có thể trộn vào giống hoặc phân bón rải cùng. Đối với thuốc có hoạt chất Niclosamide (tác động đến hệ tiêu hóa và hệ hô hấp ốc) rất độc với tôm, cá nên không dùng diệt ốc cho ruộng lúa - cá. Không trộn cùng với giống hay phân bón rải được vì mầm lúa bị ảnh hưởng và thuốc sẽ giảm tác dụng. Cần giữ nước 3 - 4cm trong 4 - 5 ngày sau khi dùng để thuốc phát huy hết tác dụng. - Thuốc thảo mộc trừ ốc có triển vọng là CE-02 (10 kg/ha) và CH-01 (15 lít/ha) do Viện BVTV nghiên cứu và sản xuất. Thuốc này hiệu quả diệt ốc cao >80% lại an toàn với môi trường.


Số lượt đọc: 1156 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác