Trang trại của ông có trên 3 triệu con ếch giống và 10 tấn ếch thương phẩm xuất ra khắp các tỉnh phía Bắc. Gần đây, do nhiều người nuôi nên giá ếch thương phẩm thấp hơn trước, song mỗi năm, gia đình ông thu lãi hàng tỷ đồng từ ếch.
Đến xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hỏi thăm nhà ông Vũ Cao Thăng, bà con ở đây ai cũng biết. Khi được mời vào nhà, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những tấm bằng khen về các thành tích sản xuất kinh doanh giỏi của ông.
Ông Thăng kể, ông "sống chết" với nông nghiệp từ năm 1986. Những năm đầu, ông nuôi hơn 30 loại động vật như ếch, ba ba, trăn, rắn, tắc kè, tê tê... nhưng con ếch ông gắn bó lâu dài nhất.
Ông từng nuôi nhiều giống ếch khác nhau. Đầu tiên, ông chọn nuôi ếch đồng, hai vợ chồng ông bắt ếch tự nhiên ở khắp cánh đồng làng về thuần dưỡng, nhân giống. Sau đó, ông nuôi thêm ếch hương Hà Giang. Tuy nhiên, nuôi ếch hương đòi hỏi kỹ thuật cao, rất khó nuôi nên chuyển sang nuôi giống ếch Cuba. Đến năm 2000, ông đã thử nuôi giống ếch Thái Lan và thấy rất dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ếch Thái Lan được ông lai tạo gen, tuyển chọn những gen trội tốt để lọc ra giống ếch có thể nuôi công nghiệp. Chúng có thể nhìn vật tĩnh và ăn vật tĩnh rất tốt nên phát triển tốt, cho năng suất cao.
Trong quá trình chăn nuôi, kỹ thuật và thị trường là hai yếu tố làm ông thất bại nhiều nhất. Về kỹ thuật, ông phải mày mò, tìm hiểu đời sống của con vật, thuộc lòng các tập tính của chúng. Theo ông, càng biết sâu về đời sống của ếch thì khả năng thành công của chăn nuôi càng cao. Thị trường, đầu ra bấp bênh, phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Có thời điểm cả vạn con ếch không có đầu ra, ông phải lóc cóc ra Hà Nội rao bán cho các nhà hàng. Từ những chuyến đi vất vả đó, ông đã tìm được nhiều mối, ổn định đầu ra.
Hiện tại, trang trại của ông có trên 3 triệu con ếch giống và 10 tấn ếch thương phẩm xuất ra khắp các tỉnh phía Bắc. Gần đây, do nhiều người nuôi nên giá ếch thương phẩm thấp hơn trước, giá hiện tại từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi hàng tỷ đồng từ ếch. Ông Thăng chia sẻ, tuy giá ếch thấp nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi cao hơn so với nuôi lợn, gà.
Ông Thăng có hơn 500 bể ếch với diện tích 2ha. Trước đây, ông nuôi trong ao đất nhưng vì môi trường dưới ao nước khó xử lý nên dùng nước sạch nuôi ếch ở trong bể. Nhiệt độ thích hợp cho ếch từ 28 - 32 độ C. Ông khuyên: “Bà con không có điều kiện xây bể có thể làm bể bạt với chi phí rất rẻ, 300.000 đồng xây được bể diện tích khoảng 16m2, nuôi khoảng 2,5 tháng cũng lãi được 7 triệu đồng/bể. Nuôi ếch trên bể bạt và bể xi măng đều giống nhau. Đối với bể xi măng sẽ tốn chi phí cao, khoảng 6 - 7 triệu/bể nhưng được lâu và bền hơn.
Có 2 hình thức nuôi là nuôi trệt và trên sạp. Nuôi trệt là cho ếch ngồi trệt dưới đáy bể, mực nước khoảng 5 - 6mm. Nuôi trên sạp thì mức nước khoảng 20 - 30mm, 2 ngày thay nước một lần".
Ông bật mí về phương pháp nuôi ếch bằng thảo dược của mình. Các loại thảo dược gồm tỏi, cây cỏ mực, ớt là "kháng sinh" tự nhiên rất tốt để phòng trị bệnh cho ếch. Khi nuôi được 2,5 tháng, ông Thăng giã tỏi, trộn vào thức ăn cho ếch. Khi phát hiện ếch đi ngoài, ông giã cỏ mực trộn vào thức ăn để chữa bệnh đường ruột...
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ân Hòa cho biết, gia đình ông Thăng là một trong những hộ làm kinh tế trang trại giỏi, có thu nhập cao. Nhiều năm liền ông được tặng bằng khen của các cấp, ban ngành.
- Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ (07/12/2020)
- Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao (07/12/2020)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAHP (07/12/2020)
- Đồng Tháp đẩy mạnh tái cấu trúc chăn nuôi heo sau dịch (07/12/2020)
- Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững (07/12/2020)
- Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (07/12/2020)
- Nuôi gà bằng thảo dược thu lãi cao (07/12/2020)
- Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm (07/12/2020)
- Nuôi gà đẻ trứng sạch (07/12/2020)
- Nuôi ếch kiếm hàng trăm triệu (07/12/2020)