Trái ớt xanh ở thôn Bồ Bản (xã Hoà
Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng của
địa phương. Hương vị trái thơm nồng, cay nhẹ, hình dạng dài, tươi non thường được
dùng kèm với món mì Quảng...
Những năm trước đây, nông dân trồng ớt xanh luôn gặp khó khăn trong việc phòng một số bệnh như thối gốc, bọ phấn chích hút truyền bệnh virus, bệnh thán thư... Nhiều hộ muốn đầu tư nhưng ngại không mạnh dạn mở rộng thêm diện tích sản xuất.
Nhận thấy nhu cầu của người dân Bồ Bản trong việc đầu tư phát triển mô hình ớt xanh, Hội Nông dân huyện Hòa Vang và Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng phối hợp xây dựng mô hình với diện tích 1,3ha. 27 hộ đã đăng ký tham gia thực hiện.
Ông Nguyễn Tiến Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, đầu vụ thời tiết thay đổi bất thường, mưa lũ gây ngập nên bà con rất vất vả, đặc biệt trong khâu chuẩn bị cây giống. Bệnh thối gốc gây hại mạnh ở một số vườn. Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông lâm ngư và Hội Nông dân xã đã vào cuộc và bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, sản xuất gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, giảm lượng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm, phân trùn quế, bánh dầu, phân chim cút, chế phẩm Trichoderma để xử lý đất, phòng các bệnh do nấm bằng thuốc vi sinh. Do đó cây ớt phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Bà con nông dân đã tiến hành thu hoạch, ước đạt năng suất trung bình 2,5 tấn/sào (500m2) tăng gấp 2 - 3 lần so với vụ trước.
Theo bà Nguyễn Thị Tiết, nông dân thôn Bồ Bản, người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất ớt chia sẻ: "So với các năm trước, với 1 sào ớt 500m2, 1 đợt, tôi chỉ thu hái được 100kg trái, nhưng năm nay thu được 300kg, tăng gấp 3 lần. Trái nào cũng ngon hơn, đẹp hơn nhiều lần so với trước đây. Với đà này, năng suất ước đạt khoảng 2,5 tấn/sào. Nhờ các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chúng tôi đã khắc phục đựơc các loại sâu bệnh, an tâm sản xuất với quy mô lớn hơn".
Mặc dù mô hình đã đạt được hiệu quả về mặt kỹ thuật, tuy nhiên, giá ớt xanh tại thời điểm hiện nay chỉ đạt từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Đây là mức giá thu mua khá thấp.
Ước tính hiệu quả của việc trồng ớt/sào sau 8 tháng trồng với mức giá như trên, lợi nhuận thu được 10 - 14 triệu đồng/sào (đã trừ các chi phí, không tính công lao động). Nếu giá tăng hơn thì lợi nhuận thu được sẽ cao hơn và tính ra vẫn lãi hơn nhiều lần trồng lúa ở những khu vực đất không chủ động được nguồn nước.
Trong thời gian tới, nông dân thôn Bồ Bản rất mong các cấp lãnh đạo hỗ trợ, giúp đỡ để sản phẩm có đầu ra ổn định, giá cao hơn, từng bước nghiên cứu, ứng dụng các phương thức sơ chế, chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm khác từ ớt, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường. Khi sản xuất được nhiều và ổn định, bà con sẽ từng bước xây dựng nhãn hiệu "Ớt xanh Bồ Bản" và đầu tư mở rộng diện tích trồng nhiều hơn.
- 2 giống cam mới được công nhận (18/03/2019)
- Trồng khoai lấy ngó (15/03/2019)
- Trồng bưởi Diễn sai quả (15/03/2019)
- Trồng hoa trên bờ ruộng lúa (14/03/2019)
- Nhu cầu dinh dưỡng cây cam sành (07/03/2019)
- Nông dân rầu rĩ vì giá rau giảm mạnh (05/03/2019)
- Trồng măng tây trên đất cát (08/02/2019)
- Kỹ thuật trồng giống lạc chay trắng (07/02/2019)
- Cam rụng quả là hiện tượng sinh lý bình thường (29/10/2018)
- Kinh nghiệm trồng hoa Đỗ Quyên xác pháo đem lại hiệu quả (29/10/2018)