Ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hai anh em con chú con bác, cùng nuôi lợn, thả cá và cùng duy trì đàn lợn nái, lợn thương phẩm. Đó là Phạm Hồng Oanh và Phạm Văn Đức.
Không chăn nuôi tại khu dân cư, hai anh Oanh, Đức đấu thầu thuê đất của xã, ra hẳn khu cách biệt, làm trang trại. Bắt đầu từ khi giá lợn đang cao, chấp nhận mua giống đắt để tăng đàn. Cuối cùng Phạm Hồng Oanh đã có hơn 50 đầu lợn, trong đó 5 đầu lợn nái. Phạm Văn Đức có 70 đầu lợn với 10 đầu lợn nái.
Ở thời điểm giá lợn thương phẩm cao, hai anh có xu hướng tăng đàn, đầu tư làm ăn lớn. Đến khi giá lợn “tụt dốc” thì dù không tăng đàn, cũng khó cầm cự ở mức “đẻ đâu nuôi đó”.
Hai anh cho biết thời gian qua, tính bình quân mỗi đầu lợn lỗ từ 2 - 2,5 triệu đồng. Trong thời kỳ lỗ, Phạm Hồng Oanh có lúc 80 đầu lợn trong chuồng. Phạm Văn Đức cũng có số lợn tương đương.
Vào những ngày cuối tháng 8/2017, khi chúng tôi đến khu trang trại của hai anh, chuồng trại của anh Oanh đã “co” lại mức dưới 50 đầu lợn. Của Phạm Văn Đức vẫn duy trì mức 70 đầu lợn. Mặc dù càng nuôi càng lỗ, hai anh vẫn có chủ trương không bỏ lợn. Để duy trì được trang trại, cả Oanh và Đức đều theo cách “lấy cá bù lợn”.
Khu trang trại của Phạm Hồng Oanh có diện tích trên 5 mẫu, khoảng 1,5ha (2,7 mẫu/ha) chủ yếu là diện tích mặt nước. Cả hai đều theo mô hình trên bờ là khu chăn nuôi, dưới hồ là khu chăn… cá. Hồ được thả nhiều loại cá thông dụng như rô phi, trôi, mè, trắm, chép, chim… Thức ăn cho cá gồm cỏ, ngô, đậu tương và thức ăn công nghiệp.
Phạm Văn Đức có diện tích thả rộng hơn. Hiện anh có hơn 13 mẫu (gần 5ha) cũng chủ yếu là mặt nước và cũng nuôi các loại cá kể trên. Hồ luôn được giữ nước sạch, có quạt thông khí trong trường hợp thời tiết thay đổi, để bảo đảm đủ ô-xy cho cá. Mỗi năm thu hoạch bình quân 2 lần. Có khi dùng lưới quây. Có khi tát cạn, vừa bắt gọn cá, vừa thay nước cho cá.
Những đợt thu hoạch, thường theo định kỳ. Nhưng cũng có khi theo thị trường. Khi cá được giá, thì “ưu tiên” thu hoạch sớm hơn. Do có kỹ thuật nuôi thả, nên những đợt thu hoạch, cá đều đạt tiêu chuẩn thương phẩm. Đặc biệt “đầu ra” rất ổn. Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thương lái đến tận hồ để mua. Giá bình quân dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Theo Phạm Văn Đức, mỗi lần thu hoạch, được cỡ khoảng 14 – 15 tấn cá, với mức thu trên 350 triệu đồng. Tức là đạt mức trên 700 triệu đồng/năm. Như vậy trừ chi phí, trước mắt cá có thể bù cho lợn, để họ duy trì đàn lợn.
Giữ lợn, không hẳn là “chờ thời cơ” dù bây giờ, giá lợn đang rục rịch tăng, mà chủ yếu việc nuôi lợn, thả cá, như có sự liên quan mật thiết, gắn bó. Không vì cá mà bỏ lợn. Và cũng không vì lợn mà bỏ cá. Bởi vậy, trong khi các trang trại khác lao đao, có trang trại đang đứng trước nguy cơ “sập tiệm”, thì trang trại của hai anh Oanh, Đức vẫn tồn tại và thậm chí phát triển.
- Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ (07/12/2020)
- Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao (07/12/2020)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAHP (07/12/2020)
- Đồng Tháp đẩy mạnh tái cấu trúc chăn nuôi heo sau dịch (07/12/2020)
- Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững (07/12/2020)
- Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (07/12/2020)
- Nuôi gà bằng thảo dược thu lãi cao (07/12/2020)
- Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm (07/12/2020)
- Nuôi gà đẻ trứng sạch (07/12/2020)
- Nuôi ếch kiếm hàng trăm triệu (07/12/2020)