Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ hàng chục vạn cây giống lâm nghiệp.
Tuy nhiên, việc xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống “có tâm, có tầm” đang hết sức khiêm tốn dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng tràn về các vùng nông thôn khá phổ biến.
Huyện Hương Khê có đến hơn 22.600ha rừng sản xuất, chủ yếu là trồng keo và cây cao su. Hơn chục năm về trước, khi cây cao su đang được ví như “vàng trắng” thì rất nhiều hộ dân liên kết với các doanh nghiệp chặt thông, keo để chuyển đổi sang trồng cao su. Sau khi mủ cao su rớt giá thê thảm thì huyện Hương Khê cũng ngừng mở rộng diện tích cây trồng này, toàn bộ diện tích đất sản xuất còn lại của địa phương chủ yếu được quy hoạch chuyển sang trồng keo. Sở dĩ người dân Hà Tĩnh nói chung, Hương Khê nói riêng chuộng cây keo vì đây là loài cây dễ trồng, đầu tư ít, không hao tốn công lao động.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, rất nhiều ki ốt treo biển hiệu, dựng cây giống lâm nghiệp bày bán tràn lan. Đáng buồn là cả người bán lẫn người mua chỉ chăm chăm vào lợi ích kinh tế mà quên đi chất lượng cây giống.
Đứng trước thực trạng này, huyện Hương Khê xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ chất lượng cây giống có truy xuất nguồn gốc. Hiện toàn huyện có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp có đăng ký giấy phép, chịu sự giám sát, quản lý thường xuyên của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm.
Ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Hương Khê cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn được siết chặt từ khâu đầu vào đến đầu ra. Theo đó, nguồn nguyên liệu sản xuất giống, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm giống xuất bán ra thị trường… tất cả đều phải có xác nhận của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Đây là cách truy xuất nguồn gốc hiệu quả nhất để đảm bảo người dân được sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng.
“Quỹ đất sản xuất lâm nghiệp của Hương Khê cơ bản đã khép kín nên nhu cầu sử dụng cây giống hiện nay không lớn. Vì vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn hầu hết cung ứng cho thị trường các huyện lân cận như Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn và các tỉnh trong khu vực”, ông Hào thông tin.
Tân Thanh Phong hiện là doanh nghiệp đứng đầu không chỉ Hương Khê mà còn là điển hình của tỉnh Hà Tĩnh trong việc sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp. Theo ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc doanh nghiệp, bình quân mỗi năm Tân Thanh Phong cung ứng trên 10 triệu cây giống ra thị trường, bao gồm: cây keo các loại; gió trầm, lim, dỗi, mỡ; sao đen, sấu, xà cừ…
Ông Dũng cho hay, để xây dựng được thương hiệu, cung ứng cho người dân những cây giống tốt nhất, ngoài đầu tư đồng bộ hệ thống mái che, hệ thống tưới tự động, cấp thoát nước… mỗi năm doanh nghiệp bỏ ra 5 - 7 tỷ đồng mua lô cây con, hạt giống, thuê nhân công. Tất cả đều hướng đến sản xuất hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe cho nhân công.
“Chúng tôi có 30 lao động thường xuyên sản xuất cây giống. Tuy nhiên, vào những dịp nhiều đơn hàng, phải đóng bầu “tranh mưa, cướp nắng” thì lực lượng lao động có khi lên đến gần 100 người. Mục tiêu Tân Thanh Phong hướng đến là niềm tin của khách hàng và cơ sở để củng cố niềm tin đó chính là chất lượng cây giống”, ông Hà Tiến Dũng nói.
Vị giám đốc doanh nghiệp chia sẻ thêm, để sản xuất thành công một lô giống cây lâm nghiệp yếu tố con người là quan trọng nhất. Ngoài kinh nghiệm thì lao động phải có tay nghề đồng đều, sau đó là hạ tầng đồng bộ. Cái khó nhất cho các cơ sở sản xuất cây giống ở Hà Tĩnh là thời tiết cực đoan. Mùa nắng thì cháy da cháy thịt nhưng khi mưa thì lũ lụt cả tuần liền. Ngoài ra, nguồn nhân lực am hiểu về kỹ thuật sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn gần như không có nên doanh nghiệp phải tự đào tạo, nhiều khi trở thành bị động.
- Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (15/05/2020)
- Tổng đàn lợn nái cả nước còn trên 2,8 triệu con (14/05/2020)
- Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn, thu 500 triệu/năm (16/11/2019)
- Phát triển giống vật nuôi, cây trồng bản địa (14/11/2019)
- Tôm càng xanh xen canh lúa hiệu quả cao (07/11/2019)
- Làng ươm giống chè (12/09/2019)
- Bưởi hồ lô 'tứ quý' giá 12 triệu đồng (03/07/2019)
- Công nhận 8 giống điều địa phương và 5 giống điều đầu dòng (21/06/2019)
- Cải tạo đất nhiễm phèn, mặn (13/06/2019)
- Cánh đồng lớn giống lúa Thiên ưu 8 (06/06/2019)