Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
15/05/2020


Trong hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp cuối tuần qua, nhiều đơn vị đã đưa ra kiến nghị đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng thế giới dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9%, Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch dự đoán là 2,8%.

Quý I vừa qua, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhấp trong hơn 10 năm nhưng vẫn là mức khá cao so với thế giới và khu vực. Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt trên 5% và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

"Muốn được như vậy, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công. Thứ nhất, thu hút đầu tư các vào thành phần kinh tế trong nước, trước hết là thành phần kinh tế tư nhân. Thứ hai, thu hút FDI, thứ ba là đẩy mạnh xuất khẩu, thứ tư là thu hút đầu tư công và cuối cùng là khuyến khích tiêu dùng nội địa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Có thể thấy, biện pháp hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế sau khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19 là thu hút đầu tư vào các thành thành kinh tế trong nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng liên quan nông nghiệp, nông thôn.

Đầu tư cho nông nghiệp

 

Ngành thủy sản phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, trong đó tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2019 để bù đắp cho phần thiếu hụt của xuất khẩu cá tra. Với ngành hải sản khai thác có thể duy trì mức 3,2 tỷ USD như năm ngoái.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản, dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhiều quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thủy sản đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và nông, ngư dân trong chuỗi sản xuất thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, với phương châm vừa sản xuất vừa chống dịch, đến nay có thể nói ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua được dịch Covid-19 và đang hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh với phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm nay không giảm so với 2019.

Theo ông Hòe, trong ngắn hạn VASEP có 5 kiến nghị, thứ nhất đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ hạn mức tín dụng cho các đơn vị có nhu cầu thực sự mua các sản phẩm thủy sản cỡ lớn của nông dân để dự trữ, dành bán sau dịch.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ hỗ trợ Bộ NN-PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đầu tư cho nông, ngư dân để có thể thả nuôi và khai thác biển trở lại từ tháng 5 để đón đầu cơ hội thị trường vào tháng 7-8/2020.

Thứ ba, hỗ trợ về an sinh, vốn để doanh nghiệp thủy sản có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Thứ tư, kiến nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, ông Hòe kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dự án đầu tư nuôi do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, ví dụ như đầu tư kho lạnh để trữ hàng.

 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng việc miễn thuế sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải phóng lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay, đồng thời bổ sung kim ngạch xuất khẩu khi các nhóm sản phẩm khác gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc xuất khẩu sản phẩm này không ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ của nước ta.

Về lâu dài, Tổng Thư ký VASEP đề xuất thêm cần có sự đầu tư để các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thị trường, đầu tư phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành thủy sản, tiếp theo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nuôi trồng và nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho nông thủy sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa.

 

Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có những đề xuất khá cụ thể, ví dụ đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu 25% đối với các mặt hàng gỗ xẻ phôi có nguồn gốc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng tốt, cụ thể gỗ sồi xẻ (HS 4407.919090); gỗ tần bì (HS 4407.959090); gỗ bạch dương (HS 4407.969090) và gỗ thông (HS4407.110090).

Đối với xuất khẩu dăm gỗ, Hiệp hội cho rằng, do dịch bệnh, giá dăm gỗ giảm sút, đồng thời sản xuất gỗ dán bị mất hai thị trường chính là Hà Quốc và Mỹ, do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Chính xem xét và miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cho doanh nghiệp từ tháng 3 -12/2020.

Miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cũng giúp bình ổn giá thu mua nguyên liệu rừng trồng để người dân tiếp tục trồng rừng, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp gỗ.

Về hỗ trợ người lao động, Hiệp hội cũng mong muốn các đơn vị có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 50% lương tối thiểu cho những người lao động tạm mất việc làm do dịch bệnh và cho vay không lãi để DN chi trả 50% còn lại nhằm bảo tồn lực lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Phát triển chuỗi cung ứng

Ông Funayama Tetsu, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất một số hướng giải quyết, trong đó có việc tiếp tục thu hút đầu tư và tăng cường chuỗi cung ứng.

“Một là tiếp tục thu hút đầu tư và tăng cường chuỗi cung ứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam và gia tăng sự đóng góp của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư vào khu vực, chúng tôi sẽ thực hiện hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam cùng các đối tác sẽ phát triển khai thác thị trường mới. Từ đó xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng bền vững”, ông Funayama Tetsu nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, đầu tiên là các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung vào các dự án đầu tư với giá trị gia tăng không quá cao nhưng tận dụng được lao động, như dệt may, thủy sản, giày dép.

Trong hội nghị với Thủ tướng cuối tuần qua, ông Hong Sun cam kết, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bộ đã chủ động thực hiện nhất quán và kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, hàng loạt giải pháp được Bộ Công thương cùng các bộ, ngành đã phát huy được hiệu quả đóng góp cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như công tác khai thông thị trường, đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp.

 

Bộ Công thương đang xây dựng các đề án cụ thể để phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Để hỗ trợ cho quá trình này, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để đẩy nhanh quá trình đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc sớm cho phép một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

 


Số lượt đọc: 1118 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác