Quảng Bình: Cay mắt vì… tiêu
18/10/2018

Từ đầu năm đến nay hàng chục hecta tiêu của người dân trong xã Quảng Thạch (Quảng Trạch – Quảng Bình) cứ vàng lá rụng dần rồi chết…

Ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa bàn chúng tôi thuộc bán sơn địa nên cây tiêu là thu nhập chính của người dân. Trên địa bàn xã hiện có gần 140ha tiêu, trong đó có gần 80ha được đưa vào thu hoạch. Mỗi năm, bà con thu hơn 50 tấn hạt, tạo được nguồn thu trên 10 tỷ đồng”.  

Mất nguồn thu lớn

Gia đình ông Trần Đức Dục (thôn 4, xã Quảng Thạch) có vườn tiêu cho thu hoạch hơn chục năm nay. Với hơn 600 gốc tiêu được chăm bón tốt mỗi năm cũng mang về được nguồn thu gần 40 triệu đồng. “Chúng tôi ở vùng đồi cằn, mưa nắng thất thường nên cây trồng cũng khó. Nguồn thu đó là lớn nhất của gia đình tôi”, ông Dục cho hay. Một năm trở lại đây, vườn tiêu gia đình ông Dục bỗng sinh chuyện. Cây đang xanh um rồi lá cứ chuyển dần sang vàng úa rồi cây chết.

Gia đình ông Phan Văn Hòa có vườn tiêu vào hạng nhất nhì. Sau 15 năm khai khẩn, chăm bẵm, vườn tiêu ông Hòa có trên gần 1.000 gốc. Hạp đất, hạp người, vườn tiêu mỗi năm cho khoảng 5 tạ hạt và thu về khoảng trăm triệu đồng. Nhìn vườn tiêu úa vàng, ông Hòa cũng chạy hỏi khắp để mua thuốc BVTV về chữa trị. Hết thuốc này đến thuốc khác cũng chẳng làm gì được.

“Vụ tiêu năm nay bòn mót hết cũng chỉ được chừng 40 kg. Hàng trăm triệu đồng đầu tư cho vườn tiêu nay tiêu thổ hết. Nhìn tiêu chết mà trào nước mắt”, ông Hòa giọng nghèn nghẹn, cay cay. Ở gần cuối xóm, gia đình ông Phan Văn Thảnh cũng trong tình cảnh rối bời. Nhà có vườn tiêu hơn 800 gốc. Hàng năm dù mưa, dù nắng cũng thu về được 7 đến 8 chục triệu đồng. Bây giờ đứng ở gốc vườn, ông Thảnh chỉ biết ngậm ngùi rồi thở hắt: “Đếm đi đếm lại cũng chỉ còn được 70 gốc tiêu còn sống”.  

Tìm hướng đi

Ông Dục theo chúng tôi đi quanh xóm rồi bày tỏ: “Trên đất này cũng chỉ mới tính được cây tiêu thôi. Ai cũng nói đó là cây thoát nghèo. Mấy chục năm vẫn yên lành vậy. Nay thì khác rồi, sâu bệnh đe dọa trắng tay đó. Qua đận này, nhiều gia đình tính toán lại. Có thu để mà chi thì không sao. Chứ bỏ vốn liếng đầu tư rồi chưa thu được hạt mô mà đổ bệnh chết sạch như nhà chú Đức đó cũng tội nghiệp lắm”. Nhiều gia đình đã tính toán đến cây trồng khác. Họ thuê máy múc về múc hết gốc, trụ tiêu để chuyển đổi cây trồng khác.

Ông Dục nói: “Phải chuyển sang trồng rau màu để có thu nhập cái đã. Chứ cứ ngồi buồn mãi vì tiêu chết thì cũng chẳng được chi”.

Ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết hiện cây tiêu vẫn bị nhiễm bệnh và chết rũ. Những vườn tiêu bị hư hại lớn thì vận động bà con đào bỏ đi để trồng các loại cây ngắn ngày như gừng, nén, nghệ… để có thu nhập trước mắt. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập cho bà con là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này cũng nhờ cấp trên hỗ trợ thì người dân mới có điều kiện thuận lợi để thực hiện”, ông Sơn nói thêm.

 

Địa phương chậm báo cáo

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Định - Trưởng Phòng NN-PTNT cho hay, một số xã như: Quảng Lưu, Quảng Tiến... có tình trạng cây tiêu chết nhiều, nhưng chỉ dừng lại ở tỷ lệ khoảng 5%. Riêng ở xã Quảng Thạch số tiêu chết là do mắc bệnh chết nhanh chết chậm khá lớn. Phòng cũng đã cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở và bà con cách thức xử lý, chữa trị căn bệnh nói trên.

“Riêng tình trạng tiêu chết với diện tích nhiều như ở xã Quảng Thạch một phần do chính quyền báo cáo tình hình nhiễm bệnh với Phòng quá chậm. Khi nhận được thông tin thì chúng tôi xử lý ngay. Tuy nhiên, số lượng cây tiêu nhiễm bệnh nhiều nên hiệu quả việc xử lý chưa được cao”, ông Định cho biết.

 


Số lượt đọc: 1323 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác