Kỹ thuật nuôi gà Mía và phòng bệnh bằng thảo dược
14/05/2020


Gà Mía là giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài như chợ Mía, chùa Mía.

Giống gà quý được phục hồi

Xưa giống gà này ngoài dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày còn cung cấp cho tất cả các ngày lễ trọng trong năm thậm chí các lão làng còn chọn những con tốt nhất để tiến vua hay cúng ở đình dâng thánh thần.

Ngoại hình chuẩn của gà Mía con trống có lông mã mận, con mái có lông màu lá chuối khô. Trong nhóm các giống gà thân to của Việt Nam như Đông Tảo, Mía, Hồ, chọi, Móng… thì gà Mía được đánh giá có thân thịt đẹp và chất lượng thơm ngon.

Nếu như 10-15 năm trước đây người ta chuộng gà Mía lai vì tăng trọng nhanh nhưng giờ lại thích gà Mía thuần vì chất lượng thịt tốt hơn. Có nhiều hình thức nuôi giống gia cầm đặc sản này nhưng phổ biến hơn cả là chăn thả và bán chăn thả.

Từ 1-6 tuần tuổi, gà được úm trong khu vực riêng bằng cách dùng bóng đèn tròn 75W cho 1m2 chuồng có che chắn để giữ nhiệt. Tùy theo nhiệt độ ngoài trời mà tăng giảm lượng nhiệt bằng cách nâng hoặc hạ độ cao của bóng đèn.

Người chăn nuôi cần chú ý, thấy gà nằm tụ quanh bóng đèn là bị lạnh, tản xa bóng đèn là bị nóng, nằm tụ ở góc chuồng là bị gió lùa và gà đi lại ăn uống thoải mái là nhiệt độ thích hợp. Nên thắp sáng suốt đêm cho gà trong giai đoạn này để chúng ăn nhiều thức ăn hơn đồng thời giữ ấm và xua đuổi các con vật khác tấn công.

Sau giai đoạn úm là có thể nuôi nhốt trong chuồng thông thoáng tự nhiên với nền trải đệm lót trấu, mật độ từ 21 -18 con/m2 ( mới nở đến 3 tuần tuổi) và từ 18 – 10 con/m2 (từ 4 - 8 tuần tuổi). Từ tuần tuổi thứ 9 trở đi, gà bắt đầu được thả dần ra vườn khi có thời tiết ngoài trời khô và ấm, mật độ thả 1,5 m2/con; mật độ này giảm dần theo độ tuổi của gà. Khu vực thả xung quanh được rào lưới hoặc xây kín.

Trên 15 ngày người chăn nuôi có thể cho gà ăn bằng máng đặt hoặc treo xen kẽ giữa các máng uống với các máng ăn trong vườn. Chú ý vét hết thức ăn thừa sau mỗi ngày và thay nước sạch cho gà thường xuyên khoảng 2 lần/ngày. Tập tính của gà thường thích tắm cát nên có thể xây bể chứa cát cho chúng tắm cát hay đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh để cho chúng ăn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Gà cũng có tập tính thích ngủ trên cao vào ban đêm để tránh kẻ thù và tránh ẩm cho đôi chân, tránh nhiễm bệnh nên tạo một số dàn đậu trong chuồng bằng tre, bằng gỗ nhưng không được quá trơn nhẵn. Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5 m, cách nhau 0,3-0,4 m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và ỉa phân lên nhau.

Về thức ăn, sau giai đoạn úm có thể cho gà ăn thêm rau xanh. Nếu nuôi hoàn toàn bằng thức ăn chế biến, có thể chọn cám Con Cò. Giai đoạn từ 1 – 21 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225A. Giai đoạn 22 – 42 ngày tuổi cho ăn thức ăn viên, mã số C225B. Giai đoạn 43 ngày tuổi – xuất bán, cho ăn thức ăn viên, mã số P223.

Ngoài thức ăn công nghiệp có thể bổ sung thêm gạo, cám, thóc, ngô làm thức ăn thô và nên nuôi thêm giun quế hay ấu trùng ruồi lính đen làm nguồn cung cấp giàu đạm và dưỡng chất.

Chế thảo dược một cách đơn giản

Cũng như nhiều loại gia cầm khác, gà Mía thường hay bị bệnh nhất là hô hấp và tiêu hóa. Do điều kiện an toàn sinh học của nước ta chưa tốt, khu vực chăn nuôi thường rất gần với khu dân cư nên tình trạng dịch bệnh gần như luôn tồn tại.

Chính vì vậy, việc sử dụng kháng sinh trộn trong thức ăn để phòng dịch bệnh trở nên phổ biến và hậu quả của việc sử dụng kháng sinh tràn lan rất nhiều như kháng thuốc, tồn dư trong sản phẩm, nguy cơ gây ung thư và các bệnh khác.

Ở các nước phát triển như châu Âu, Nhật, Úc, Canada, Hàn Quốc đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn. Xu hướng không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ở nước ngoài đang trở nên phổ biến và việc sử dụng các giải pháp thay thế như thảo dược cũng đang được nghiên cứu và áp dụng.

Ở Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu sản xuất và sử dụng các chế phấm có nguồn gốc thảo dược trong phòng, trị hội chứng bệnh đường hô hấp trên gia súc gia cầm.

Thực tế sản xuất chăn nuôi nông hộ, một số bà con nông dân áp dụng một số kinh nghiệm sử dụng thuốc của dân gian để phòng bệnh cho lợn và gà vào những lúc chuyển mùa. Hiện tại, chưa có nghiên cứu về bào chế và kiểm nghiệm các chế phẩm có nguồn góc thảo dược để phòng và trị bệnh hội chứng hô hấp.

Vừa qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nghiên cứu một số chế phẩm thảo dược để giảm sử dụng kháng sinh trong phòng và trị hội chứng hô hấp cho gà Mía thương phẩm.

Cụ thể, các nhà khoa chọc đã sản xuất trà lá ổi cùng với bột kha tử. Nguyên liệu cần có gồm lá ổi tươi, nước, bột quả kha tử.

Cách làm như sau: Cho 1 kg lá ổi vào 10 lít nước đun sôi trong 15 phút, để nguội rồi lọc hết xác lá, chỉ giữ phần nước. Quả kha tử khô nghiền thành bột quấy vào trà lá ổi với liều 2g /lít rồi cho gà uống tự do. Chúng có tác dụng rõ rệt làm giảm tỉ lệ mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy. 

 

Kết quả điều tra cho thấy trong tổng đàn gà 520.287 con, số lượng gà Mía là 187.368 chiếm 36% đàn gà của thị xã Sơn Tây trong đó số lượng gà sinh sản là 102.355 con chiếm 54,6%, gà thương phẩm 85.013 con, chiếm 45,4%. Trong 5 xã nuôi gà Mía thì tập trung nhất vẫn là Xuân Sơn nuôi đến 32.250 con; Đường Lâm là quê hương của gà Mía nuôi 25.343con (chiếm 13,5% tổng đàn gà Mía).

Hà Nội vệ sinh, tiêu độc khử trùng để phòng dịch cho vật nuôi

UBND thành phố vừa chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phải triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường sau tiêm phòng đại trà đợt I/2020 và phun diệt ruồi, côn trùng mùa nắng nóng. Thời gian thực hiện từ ngày 20- 30/4/2020 với đối tượng gồm: Khu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, kinh doanh động vật, nơi tập trung gia súc, gia cầm; Khu nước thải của nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; Các ổ dịch cũ gồm các loại nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dại trên đàn chó mèo...; Nơi thu gom rác thải, chất thải trong khu dân cư, bãi rác nơi công cộng, hố ủ phân; Đường giao thông trong làng, trong ngõ, chốt kiểm dịch; Trạm trại chăn nuôi tập trung.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vào cuộc chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng đối tượng và đúng quy định; Đồng thời thu hồi, quản lý vỏ chai, bao bì hóa chất sau khi sử dụng để tiêu hủy không gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền cho toàn dân mà nhất là người chăn nuôi hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường là để phòng, chống bệnh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, là cơ sở nền tảng giúp hạn chế rủi ro, thất thoát…

 

 

 

 


Số lượt đọc: 770 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác