Mô hình tưới tiết kiệm cho lúa để thích nghi biến đổi khí hậu
15/05/2020

Ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa do dự án VnSAT triển khai, đang đem lại hiệu quả cao trong thời điểm biến đổi khí hậu gay gắt ở các tỉnh ĐBSCL.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới

Nhiều năm qua, nông dân tỉnh An Giang được tập huấn để nắm vững kiến thức kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa và từng bước áp dụng thành công, góp phần giảm chi phí tăng lợi nhuận.

Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, ông Trần Văn Tuấn, nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn tham gia thí điểm trồng 4 công, áp dụng tưới tiết kiệm nước cho lúa và ứng dụng “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp thông qua dự án phát triển nông nghiệp bền vững VnSAT An Giang.

Kết quả cho thấy việc áp dụng tưới tiết kiệm giúp quản lý tốt ở mặt sâu bệnh, tiết kiệm nguồn nước ngọt, lúa phát triển mạnh, nhẹ công chăm sóc… Đặc biệt hơn là giảm lượng phân bón 25-30% so với canh tác truyền thống. Trước đây trung bình chi phí cho vụ lúa ĐX thường tốn 1,4 – 1,5 triệu đồng/công, nhờ áp dụng mô hình mới này giảm còn 1,2-1,3 triệu đồng/công.

Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, ông Tuấn tự hào nói, vụ ĐX vừa rồi sau khi thu hoạch 4 công ruộng, trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng, cao hơn so với ruộng bên cạnh canh tác theo truyền thống.

Theo ông Tuấn, thấy việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cho lúa đem lại hiệu quả thiết thực, sang vụ Hè Thu năm nay ông mở rộng diện tích đất của gia đình để áp dụng kỹ thuật mới này. Hiện trà lúa được hơn một tháng tuổi, xanh tốt, đẻ nhánh khỏe. Không những vậy, ông còn vận động người thân trong gia đình và hàng xóm áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nhằm giảm giá thành đầu tư mà tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Hiện tại và trong tương lai, nguồn nước hạ lưu các con sông ở ĐBSCL ngày càng ít, không đủ để cung cấp cho ruộng lúa trong suốt quá trình canh tác. Xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang đã làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Trước tình hình này, bên cạnh việc theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, thực hiện cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, nạo vét kênh mương, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cùng nông dân bắt tay vào ứng dụng nhiều biện pháp canh tác lúa thông minh và sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới.

Theo ông Lâm, canh tác lúa để ruộng khô xen lẫn ngập nước một cách hợp lý thông qua dự án VnSAT hỗ trợ, có thể giúp người trồng lúa giảm lượng khí phát thải nhà kính từ 20 - 30% so với để ngập nước liên tục. Sự giảm này có giá trị rất lớn vì sản xuất lúa gạo đang phát thải khí metan chiếm đến 15 - 25% lượng khí metan toàn cầu. Tiếp theo là giảm lượng phân đạm vô cơ, để giảm phát thải oxit nitơ. Phân đạm vô cơ được thay bằng phân bón hữu cơ, sử dụng triệt để rơm rạ để làm phân bón. Việc này đem lại lợi ích kép, vì không còn tình trạng đốt rơm rạ nên giảm phát thải khí cacbonic. Chính vì vậy, việc canh tác lúa áp dụng kỹ thuật lúa tiết kiệm nước kết hợp với mô hình “1 phải 5 giảm” là hướng đi bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tưới nước tiết kiệm cho lúa là tiến bộ kỹ thuật có sự khác biệt cơ bản so với biện pháp tưới nước truyền thống. Trong kỹ thuật này mặt ruộng chỉ ngập nước trong từ 15 - 25% tổng thời gian chu kỳ sống của cây lúa. Với kỹ thuật tiết kiệm nước thì trong phần lớn thời gian, lượng nước tối đa trong đất là bão hòa 100% (các khoảng rỗng trong đất đều chứa nước nhưng không có nước ngập trên mặt ruộng).

Kỹ thuật tưới truyền thống là giữ liên tục một lớp nước mỏng trên mặt ruộng từ 70- 80% thời gian chu kỳ sống của cây lúa. Với cách tưới này thì giai đoạn hồi xanh sau khi cấy cần mực nước ngập từ 1-3 cm, giai đoạn đầu đến giữa đẻ nhánh (2-4 cm). Cuối đẻ nhánh thì tháo nước cạn ruộng trong vòng 5-7 ngày.

Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ở vùng ĐBSCL và cả nước với sản lượng trên 3,9 triệu tấn lúa hàng hóa/năm. Từ năm 2001 An Giang đã ứng dụng hiệu quả chương trình “3 giảm 3 tăng”. Từ năm 2005 nhờ sự chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên ruộng lúa của IRRI, An Giang đã triển khai công nghệ này và xây dựng đề án tưới tiết kiệm nước giúp nông dân giảm thêm chi phí.

Chương trình tưới tiết kiệm nước được thực hiện đầu tiên ở ĐBSCL tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, do Chi cục BVTV An Giang thực hiện trong vụ Thu Đông 2005 với 19 nông dân được mời làm thí nghiệm về biện pháp kỹ thuật mới tưới tiết kiệm nước cho cây lúa kết hợp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Bằng việc đặt ống theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ.

Theo ông Hiền, qua các năm thực hiện chương trình bà con nông dân đã đánh giá lợi ích chung của chương trình mang lại như: cây lúa cứng cáp hơn, bông dài và nhiều hạt chắc hơn, giảm được sự đổ ngã do rễ ăn sâu, giảm số lần bơm nước, giảm chi phí đầu vào. Năng suất ở ruộng thí nghiệm cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất bình thường. 

Từ đó diện tích ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên lúa ngày càng được mở rộng. Tính đến nay đã có 223.079 lượt hộ nông dân đã ứng dụng với diện tích 340.548ha. Kết quả khảo sát, trong vụ ĐX 2019-2020, số lần bơm nước trên ruộng trình diễn là 6,5 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,8 lần/vụ, trung bình giảm 1,3 lần/vụ.

Bình quân, vụ Hè Thu số lần bơm nước là 6,3 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,3 lần/vụ, số lần bơm nước trung bình giảm 1 lần/vụ. Tiết tiết kiệm tiền bơm nước hơn 117.000 đồng/ha trong vụ ĐX và 90.000 đồng/ha trong vụ Hè Thu.

Kỹ thuật canh tác tưới tiết kiệm cho lúa và áp dụng “1 phải 5 giảm” thông qua dự án phát triển nông nghiệp bền vững VnSAT được xem là quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, là tiền đề để xây dựng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Đặc biệt, là xây dựng các vùng nguyên liệu, sử dụng bộ giống chất lượng cao theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt để các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở thực hiện theo hướng VietGAP, các mô hình sẽ chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực theo yêu cầu của thị trường.

Từ kết quả đạt được tại An Giang, nông dân trồng lúa đã áp dụng “1 phải 5 giảm” ngày càng rộng rãi làm tiền đề trong việc xây dựng thành công sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho hàng trăm ha tại các xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn), Bình Chánh (Châu Phú), Tân Lập (Tịnh Biên) và Tân Tuyến (Tri Tôn). Ngoài ra, tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” được các nhà khoa học khuyến cáo là một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng sản xuất lúa trong cánh đồng lớn.

Với sự hỗ trợ từ dự án VnSAT, từ khi triển khai dự án đến nay tại An Giang cũng đã tập huấn thêm 527 lớp “1 phải 5 giảm” cho 13.615 hộ dân, với tổng diện tích 21.235 ha, góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Trong đó, việc tiết kiệm nước bên cạnh lợi ích về kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, giúp hạn chế những yếu tố bất lợi cho môi trường sống.

 

Dự án VnSAT An Giang được triển khai ở 45 xã, thuộc 5 huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn trên diện tích 38.600ha, hơn 26.000 hộ nông dân được hưởng lợi, đã và đang góp phần đưa ngành nông nghiệp An Giang thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

 


Số lượt đọc: 701 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác