Giá lợn đang rất cao, là nguyên nhân thúc đẩy nhiều hộ tái đàn ồ ạt, trong khi nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trên diện rộng là rất cao.
Rủi ro khi tái đàn
Tính đến cuối tháng 5, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát tại 155 xã, phường, thị trấn của 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, với số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 4.000 con.
Cùng với đó, việc giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng trong những tháng qua càng thúc đẩy người chăn lợn trên địa bàn các tỉnh nhanh chóng tìm cách tái đàn.
Trong khi đó, công tác phòng chống DTLCP như tiêu độc, vệ sinh chuồng trại sau dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, chất lượng lợn giống chưa được đảm bảo…, đây điều kiện lý tưởng để DTLCP tái bùng phát trở lại nếu không có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan quản lý chuyên môn hoặc một khi thời tiết thuận lợi ccho dịch bệnh phát sinh, phát triển.
Mặc dù trước đó, từ năm năm 2020, Bộ NN- PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống thì DTLCP mới được khống chế tạm thời trên phạm vi cả nước.
Tại Bạc Liêu, ổ DTLCP đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng 6/2019 tại huyện Vĩnh Lợi, đã gây nhiều thiệt hại kinh tế cho bà con chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh khi có đến hơn 47.000 con lợn bị tiêu hủy. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng chống DTLCP như tiêu độc sát trùng, khoanh vùng dập dịch…nên đến thời điểm này, 63/63 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã công bố hết dịch.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành quyết định số 490, về việc công bố hết DTLCP trên địa bàn. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi trong tỉnh có thể tổ chức tái đàn, tăng trưởng đàn lợn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm, giúp kéo giảm giá thịt lợn xuống.
Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Bạc Liêu khoảng 112.000 con, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Sau khi công bố hết dịch bệnh, nhu cầu tái đàn lợn trong dân đang tăng mạnh trở lại, trong khi sản lượng lợn hơi, lợn thịt không đủ cung ứng cho thị trường, làm giá hợn hơi tăng cao, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.
Anh Trần Quốc Bảo, ngụ ấp Trung Hưng III, xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Giá lợn hơi đang tăng cao đã tạo tâm lý phấn khởi, nên người chăn nuôi luôn có tâm lý muốn tái đàn. Việc này cũng dễ hiểu bởi nhiều người đã trải qua một vụ nuôi thua lỗ do dịch bệnh, lợn chết hàng loạt. Đợt DTLCP vừa qua, gia đình tôi đã tiêu hủy 30 lợn nái, 200 lợn hơi, hiện nay gia đình đang dự định tái đàn nuôi tiếp.
“Thế nhưng, suy đi nghĩ lại, thì không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tái đàn ồ ạt, chọn mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc đem về nuôi rủi ro sẽ rất cao, vì như thế có khi lại phải chịu cảnh thua lỗ “tiền mất tật mang” thêm một lần nữa. Hiện nay, gia đình tôi đang xử lý chuồng nuôi tiêu độc, khử trùng… khi nào DTLCP bị đẩy lùi, nguồn lợn giống đảm bảo tôi sẽ tổ chức tái đàn lại”, anh Bảo cho biết.
Anh Đoàn Văn Đằng, ngụ ấp Trung Hưng 1A, xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) cho biết, đợt dịch bệnh vừa rồi gia đình anh đã tiêu hủy 20 con lợn (2 lợn nái và 18 con thịt), đến nay gia đình vẫn còn thiếu nợ ngân hàng phải đóng lãi hàng tháng. Sau khi nghe thông tin tỉnh đã công bố hết DTLCP, gia đình định mua 4 con lợn nái về nuôi để tái đàn, tuy nhiên giá lợn nái hiện nay quá cao từ 2 - 3 triệu đồng/con.
“Vừa qua, lại nghe thông tin DTLCP tái bùng phát gia đình tôi lo lắng lắm, có thể nuôi sẽ lỗ như lần trước nên quyết định không nuôi, mà tận dụng chuồng lợn có sẵn tôi bắt 200 con gà con về nuôi. Khi nào dịch bệnh hết hẳn gia đình tôi mới tính toán nuôi lợn sau", anh Đằng chia sẻ.
Tăng cường phòng chống dịch
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, để ngăn chặn DTLCP bùng phát, đặc biệt là ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, những ngày qua, lực lượng thú y từ tỉnh đến các địa phương đã khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch.
Qua đó, kiểm tra, rà soát số lượng đàn lợn hiện có tại các địa phương, đồng thời tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay sau khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tránh lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao tái phát dịch bệnh như các ổ dịch cũ, khu vực tiêu hủy, cơ sở thu gom, giết mổ, các quầy, điểm mua bán thịt lợn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.
Đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn giống, lợn nuôi thương phẩm và lợn đến từ các cơ sở giết mổ. Lợn vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải nguồn gốc, từ địa phương không nhiễm bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Hiện nay, ngành Thú y đang tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn sinh học.
Tuy nhiên, yêu cầu người chăn nuôi kê khai với chính quyền cơ sở trước khi tái đàn, chính quyền cơ sở và cơ quan Thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn theo quy định.
Đồng thời, tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học để phòng, chống bệnh DTLCP, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cho các cơ sở giết mổ, cơ sở nuôi lợn”, ông Hưng cho biết thêm.
Cũng theo ông Hưng, ngành Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, các điểm thu mua lợn trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ lậu, hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.
Đồng thời kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y lợn nhập vào lò mổ; chỉ cho nhập vào lò mổ lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; tiếp tục duy trì xác nhận nguồn gốc lợn trước khi nhập vào cơ sở giết mổ như đã thực hiện trong công tác phòng chống DTLCP trước đó; rà soát việc thực hiện ký cam kết chỉ đưa vào giết mổ lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng của các chủ cơ sở giết mổ, các thương lái.
Có thể thấy, việc tái đàn lợn sau DTLCP trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn, chông gai ở phía trước. Do vậy, để tái đàn lợn an toàn và hiệu quả, tránh thua lỗ, đòi hỏi người chăn nuôi phải nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh và thực hiện đúng theo những khuyến cáo của ngành chức năng.
20 tỉnh, thành phố, bùng phát DTLCP bao gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ NN- PTNT đã có văn bản cảnh báo việc tái bùng phát DTLCP nếu các địa phương không đề cao cảnh giác, kiểm tra, xử lý quyết liệt việc vận chuyển lợn sống, thực phẩm tươi sống. Đặc biệt là việc vận chuyển lợn giống phục vụ công tác tái đàn.
Trong lúc này, không gì quan trọng hơn là nâng cao và áp dụng chặt chẽ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, sát trùng bằng các hóa chất để ngăn chặn, diệt trừ mầm bệnh. Bởi nếu để DTLCP tái bùng phát thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
- Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ (07/12/2020)
- Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao (07/12/2020)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAHP (07/12/2020)
- Đồng Tháp đẩy mạnh tái cấu trúc chăn nuôi heo sau dịch (07/12/2020)
- Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững (07/12/2020)
- Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (07/12/2020)
- Nuôi gà bằng thảo dược thu lãi cao (07/12/2020)
- Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm (07/12/2020)
- Nuôi gà đẻ trứng sạch (07/12/2020)
- Nuôi ếch kiếm hàng trăm triệu (07/12/2020)