Xã có hơn 170 hộ nuôi ba ba
18/06/2020


Người dân Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, ba ba là loài đặc sản dễ nuôi, ít bệnh, đầu ra rộng rãi và tận dụng được sức lao động nông nhàn.

Phong trào nuôi ba ba xuất hiện tại xã Thiệu Hợp cách đây khoảng 15 năm. Ban đầu, một vài hộ đem về nuôi thử, thấy ba ba cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ học theo.

Đến nay, toàn xã có hơn 170 hộ nuôi ba ba, mỗi năm xuất ra thị trường trên 20 tấn ba ba thương phẩm, thu về trên 10 tỷ đồng, lãi ròng trên 5 tỷ đồng.

Ông Đỗ Hữu Nhung, thôn Nam Bằng 1 là một trong những người đưa ba ba về nuôi sớm nhất tại xã Thiệu Hợp. Đến nay, ông có diện tích nuôi ba ba khoảng 400 m2, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 0,7 tấn ba ba thương phẩm.

Theo ông Nhung, ba ba có thể nuôi dưới ao hoặc trong bể xi măng. Tuy nhiên, nuôi trong bể phải thay nước hai ngày một lần, nuôi trong ao thì phải xây thành ao cao bằng bê tông để tránh ba ba bò ra ngoài. Dù nuôi trong bể hay trong ao, đối với ba ba sinh sản đều phải có khu bãi cát để ba ba lên đẻ trứng.

Trước đó, vào năm 2005, sau khi nuôi bò sinh sản không hiệu quả, ông Nhung đi về các huyện miền ngược tuyển chọn loài ba ba gai về thuần hoa và nuôi trong ao, nhân giống, mở rộng mô hình.

Sau khi có đủ nguồn giống, ông Nhung thả nuôi ba ba thương phẩm với mật độ 5 con/m2. Sau 3 năm nuôi, ba ba xuất bán đạt trọng lượng khoảng 3-,5 kg/con.

Để chủ động nguồn giống, ông Nhung có riêng một ao nuôi ba ba bố mẹ. Theo ông Nhung, ba ba đạt 4-5 năm tuổi thì sinh sản. Khi ba ba đến tuổi sinh sản, ao nuôi phải thả tỷ lệ đực-cái đạt 1-3. Ba ba sẽ tự bò lên bãi cát chuẩn bị sẵn, đẻ trứng. Bình quân, mỗi năm ba ba đẻ 3-4 lứa, tương đương với 60-100 quả trứng/con/năm.

Người nuôi sẽ thu trứng đưa vào bể cát đặt trong nhà, lấp dưới lớp cát 15-20cm, nhiệt độ trung bình đạt 30 độ C, giữ ẩm cho bể cát, sau 65 ngày trứng ba ba sẽ nở. Ấp trứng ba ba đơn giản và tỷ lệ nở có thể đạt tới 90%.

Sau khi ba ba nở, người nuôi sẽ nuôi dưỡng ba ba trong bể xi măng để dễ quản lý dịch bệnh. Trong thời gian khoảng 1 năm đầu, thức ăn được xay nhuyễn để ba ba dễ ăn, sau đó được thả ra ao nuôi thương phẩm.

“Nuôi ba ba rất ít dịch bệnh, thường chỉ là bệnh nấm da, rất dễ chữa. Điều đặc biệt là những con ba ba bị bệnh sẽ tự tách đàn nên dễ phát hiện. Đầu ra của ba ba hiện cũng rộng, thương lái vào tận nhà đặt hàng.

Lãi từ nuôi ba ba có thể đạt tối thiểu 50%. Điều quan trọng là hiệu quả kinh tế cao, đầu tư ít và tận dụng được nhân lực. Tôi năm nay gần 70 tuổi mà vẫn nuôi 400 m2 ao ba ba và kiếm trên 150 triệu lãi ròng mỗi năm”, ông Nhung chia sẻ.

Cũng theo ông Nhung, nguồn thức ăn cho ba ba tương đối đa dạng. Các loại cá tạp, ốc bươu vàng, giun... ba ba đều ăn. Để chủ động, các hộ nuôi ba ba ở Thiệu Hợp đều sắm mỗi nhà vài tủ cấp đông để dự trữ nguồn thức ăn, có hộ còn nuôi cá để làm thức ăn cho ba ba.

Ông Quản Trọng Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cũng có 200 m2 ao nuôi ba ba. Theo ông Liêm, ngoài diện tích ao nuôi ba ba ông còn dành khoảng 800 m2 để nuôi các loài cá tạp như rô phi, mè... làm thức ăn cho ba ba.

“Xây một ao nuôi ba ba 200 m2 như gia đình tôi thì mất khoảng 100 triệu đồng. Tiền giống cũng khoảng 100 triệu đồng nữa. Sau 3 năm nuôi thì có thể thu hồi vốn, chủ động con giống được thì lãi rất cao. Nhìn chung, nuôi ba ba đơn giản, lãi  cao, hiện nay đang rất dễ bán, thương lãi vào mua tận ao”, ông Liêm cho biết.

Cũng theo ông Liêm, hiện nay phong trào nuôi ba ba tại Thiệu Hợp đang lên rất cao. Điều ông Liêm lo lắng là khi sản phẩm nhiều, giá ba ba sẽ giảm và người nuôi gặp khó. Vì vậy, ông Liêm mong muốn, tương lai lâu dài, các cấp ngành cần nghiên cứu để có dịch vụ thu mua hợp lý, tránh tình trạng sản phẩm dồn ứ.


 


Số lượt đọc: 639 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác