Bản Phiêng Ten là nơi có 3 cái nhất của xã Sinh Long: Có nhiều hộ người Mông sinh sống nhất, nuôi nhiều trâu, bò nhất và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất.
Người nuôi trâu, bò giỏi nhất xã
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đến thên Phiêng Ten, xã Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là từng đàn trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ trên những sườn đồi. Cán bộ xã dẫn đường giới thiệu, đấy là đàn trâu, bò của gia đình anh Lầu Văn Ló, người chăn nuôi trâu, bò giỏi nhất xã này.
Anh Ló chào đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói và giọng Kinh còn lơ lớ. Những năm 80 của thế kỷ trước, người Mông ở Phiêng Ten chuyển từ Cao Bằng về đây sinh sống và mang theo tập quán nuôi gia súc lớn. Khi ấy, anh Ló là hộ đi tiên phong.
Nuôi trâu bò giỏi vì vậy trong hội thi trâu, bò khỏe đẹp hàng năm do huyện Na Hang tổ chức, nhiều năm liền con bò của anh Ló mang đi đều giành giải nhất. Khác với cuộc thi trọi trâu, cần những con trâu biết các mảng miếng đánh hay, con trâu lỳ đòn. Và khi con trâu vô địch người ta sẽ đem đi thịt.
Còn hội thi trâu, bò khỏe đẹp của huyện Na Hang là nơi tuyển lựa các con trâu, bò có thể trạng, tầm vóc cao, ngoại hình đẹp. Con trâu, bò thắng cuộc được người ta lựa chọn làm giống để nhân rộng tổng đàn tại địa phương. Bởi thế sau hội thi, có nhiều hộ có bò cái ở khắp nơi đến nhà anh Ló xin cho chúng được “làm tình”.
Kể từ khi con bò của gia đình anh Ló liên tiếp nhiều năm liền giành quán quân hội thi trâu, bò khỏe đẹp, thương lái khắp nơi tìm đến hỏi mua. Có người trả đến 90 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Không phải vì chưa được giá mà anh còn lưu luyến với nó.
Đầu năm vừa rồi, anh quyết định “chia tay” con bò quý ấy với giá 84 triệu đồng vì muốn có thêm vốn mở rộng tổng đàn.
Hiện nay, gia đình anh Ló có 13 con bò, 2 con trâu. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình anh còn trồng thêm 2 sào cỏ voi để làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.
Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình anh Ló luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Hiện tại mỗi con trâu, bò của gia đình anh có giá trị từ 10 đến 30 triệu đồng, có con trị giá đến 70 triệu đồng.
Anh Ló cho biết: “Từng trải qua cảnh đói nghèo, gian khó nên anh thấu hiểu cái khó, cái khổ rồi. Vì vậy, gia đình luôn nỗ lực vận động nhau làm kinh tế, nhất là chăn nuôi trâu, bò vì địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển gia súc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào tâm sự với chúng tôi: "Mô hình chăn nuôi trâu bò ở bản Mông Phiêng Ten là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã đáng để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Nhờ chăn nuôi phát triển, nên Phiêng Ten cũng là thôn điển hình trong các phong trào, hoạt động của xã. Trong công tác giảm nghèo Phiêng Ten là điểm sáng".
Nuôi trâu, bò có thể làm giàu
Xã Sinh Long là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, có 627 hộ dân thì 55,8% hộ nghèo, là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Na Hang. Bởi vậy, chuyện bản người Mông ở Phiêng Ten nuôi trâu, bò đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo có cuộc sống ấm no là điều đáng ghi nhận.
Cũng giống như gia đình anh Ló, ở Phiêng Ten người dân biết học tập lẫn nhau. Thấy hàng xóm có trâu bò đẹp nhà khác cũng muốn có; thấy nương ngô của họ tốt, mình cũng muốn có và hỏi xem họ dùng giống gì để làm theo. Với tinh thần ấy, người Mông ở Phiêng Ten cùng thi đua phát triển kinh tế, cuộc sống ngày thêm ấm no.
Ở Phiêng Ten, hầu như nhà nào cũng có 2 đến 3 con trâu, bò. Có 10 hộ có hơn chục con trâu, bò. Ngoài việc mỗi hộ gia đình trồng từ 2 đến 3 sào cỏ voi, thì hằng ngày nhiều hộ dân cắt cử thành viên trong gia đình lên rừng gánh cỏ về cho trâu bò ăn.
Đặc biệt tại đây có những bãi cỏ tự nhiên mênh mông, được người dân khoanh vùng chăm sóc để làm nguồn thức ăn. Về mua đông khan hiếm nguồn thức ăn, người dân tích trữ cỏ khô, lấy chuối rừng cho chúng ăn. Ngoài ra còn cung cấp thêm lượng tinh bột cần thiết cho chúng.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, bò, người dân nơi đây đã biết cách chủ động phòng dịch. Nhất là các loại bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng phải tiêm phòng định kỳ.
Gia đình ông Lầu Văn Tu có 7 con trâu cái sinh sản và 5 con nghé. Hơn 10 năm nay, lúc nào chuồng chăn nuôi của ông cũng có 10 con trâu. Để có trâu đẹp, ông tìm mua tại các xã lân cận. Có khi ông đi tận chợ trâu ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Ở đây có chợ đầu mối tập kết với đủ các giống trâu. Vì vậy ông có thể dễ dàng tìm được con trâu ưng ý.
Đảm bảo đủ thức ăn quanh năm cho đàn trâu, ngoài nguồn cỏ tự nhiên, gia đình ông Tu chủ động trồng 0,5 ha cỏ voi. Mới đây, gia đình ông đã thực hiện nuôi trâu nhốt chuồng để vỗ béo; nuôi trâu sinh sản.
Ông Tu cho biết, từ ngày con đường từ xã Yên Hoa vào trung tâm xã Sinh Long trải nhựa, đường bê tông vào thôn dài 1km việc đi lại không còn khó như trước nên cứ tháng vài bận, thương lái lại đến hỏi thăm xem ở bản nhà nào có trâu, bò bán. Vì thế mỗi con trâu, bò giá cũng tăng lên cả triệu đồng.
Ông Lầu Văn Vàng vốn là người nông dân gắn bó với đồng ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng với hình thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún thu nhập mang lại chẳng được bao nhiêu. Sau một thời gian học hỏi, nghiên cứu thấy ở địa phương có nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo cho thu nhập cao nên ông đã tham gia.
Nuôi trâu vỗ béo, ông Vàng làm lại chuồng trại kiên cố, học thêm kiến thức phòng trừ dịch bệnh, cách ủ thức ăn cho trâu… Hiện nay gia đình ông đang nuôi 11 con trâu. Mặc dù mới triển khai mô hình được khoảng 2 tháng nhưng hiệu quả bước đầu là rất tốt, trâu được chăm sóc đúng kỹ thuật và đảm bảo lượng thức ăn nên trọng lượng tăng khá nhanh.
Bởi là thôn có nhiều hộ chăn nuôi giỏi nhất xã nên việc giảm nghèo ở Phiêng Ten cũng thuận lợi. Hiện nay, toàn thôn Phiêng Ten có 32 hộ dân (100% là người Mông) thì chỉ còn 6 hộ nghèo. Trong khi ở nhiều thôn trong xã, chuyện học phổ thông còn rất nhọc nhằn thì Phiêng Ten đã có 2 cháu thi đỗ đại học. Đó là niềm tự hào lớn của thôn.
Thúc đẩy kinh tế của Sinh Long phát triển, những năm qua, Nhà nước đã có các chương trình, dự án như hỗ trợ cây con giống giúp bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi...
Chính quyền địa phương cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho bà con vay hơn 10 tỷ đồng đầu tư xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, xã đã có hơn 1.400 con trâu, 238 con bò, 2.513 con lợn và hơn 9.600 con gia cầm...
- Gà thả đồi, hướng đi mới (07/12/2020)
- Phát triển kinh tế nông nghiệp từ việc nuôi ruồi lính đen (07/12/2020)
- Thức ăn giàu dinh dưỡng từ ấu trùng ruồi lính đen (04/11/2020)
- Yên Bái: Nuôi ba ba thành tỷ phú (04/11/2020)
- Đàn lợn nái thoát dịch cho lãi 'khủng' (04/11/2020)
- Trang trại sản xuất 'trứng vàng' (04/11/2020)
- Làm giàu từ mô hình khép kín ở Vĩnh Long (04/11/2020)
- Nam Định hướng tới chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh (04/11/2020)
- Khẩn trương xây dựng đề án chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học (04/11/2020)
- Quảng Bình: Triển vọng nuôi gà an toàn sinh học (04/11/2020)