Cà chua ghép trên cánh đồng Mường Lò
03/12/2020

Bệnh héo xanh vi khuẩn, tuyến trùng rễ khiến nhiều hecta cà chua trên cánh đồng Mường Lò chết hàng loạt. Trồng cà chua ghép là giải pháp hữu hiệu…

Từ nhiều năm qua người dân sinh sống trên cánh đồng Mường Lò (TX. Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) trồng cà chua vụ đông nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Vụ đông năm 2019, hai bệnh héo xanh vi khuẩn và tuyến trùng rễ khiến hơn 2,5ha cà chua của TX. Nghĩa Lộ chết rũ.

Ông Hà Văn Tiến ở thôn Tông Pọng cứ ngẩn ngơ trước ruộng cà chua đang ra quả, có quả to bằng cái chén, chỉ ít ngày nữa là chín bỗng dưng héo úa. Mấy năm trước ông cũng trồng trên đám ruộng hơn 700m2 sau khi gặt xong, cà chua có chết chỉ chết một vài khóm, năm nay chết hai phần ba, vợ ông đã nhổ bỏ trồng thay vào đó bắp cải và su hào.

Ông Tiến cho biết: Năm ngoái nhà tôi trồng cà chua thu được trên 6 triệu, năm nay số cây còn sống cùng lắm thu được 2 triệu…

Nói rồi ông nhổ một cây cà chua đưa cho ông Nguyễn Mạnh Hùng- GĐ Trung tâm Dịch vụ phát triển nông nghiệp TX. Nghĩa Lộ xem. Ông Hùng giải thích cho ông Tiến về bệnh héo xanh và tuyến trùng rễ là hai thứ bệnh nguy hiểm đối với cây cà chua.

Hai bệnh này nếu trồng cà chua luân phiên sau khi trồng lúa thì ít bị bệnh, còn trồng liền hai vụ thì dính bệnh không cứu được. Bà Hoàng Thị Hiên cùng ở thôn Tông Pọng trồng 1.000 m2 cà chua năm kia chết quá nửa, thu chẳng được bao nhiêu. Vụ đông năm 2019 bà lấy 1.000 cây giống cà chua ghép Tre Việt số 10 về trồng, thì không bị bệnh, thu hơn 10 triệu. Vụ đông 2020 bà tiếp tục lấy cà chua ghép về trồng. 

Khi tôi đến bà đang cắm giàn cho cà chua leo. Cây đã lên được hơn hai gang tay, tôi hỏi: Mình không sợ cà chua bị bệnh à? Bà đáp: Năm ngoái nhà tôi trồng giống cà chua này rồi nên không sợ đâu…

Giống cà chua ghép do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Lộ cung cấp cho nông dân trồng trên cánh đồng Mường Lò. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhiều nơi đã trồng giống cà chua ghép, hiệu quả rất cao. Vụ đông 2019 Trung tâm mua giống cà chua ghép từ dưới xuôi lên cung cấp cho một số bà con trồng. Tỷ lệ cây sống không cao, vì quá trình vận chuyển, nhưng cây nào sống thì kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn và tuyến trùng rễ. Thấy hiệu quả nên năm nay nhiều người tiếp tục đăng ký trồng. 

Ông Hùng cho biết thêm: Trung tâm thuê 1.000m2 đất làm nhà lưới SX giống và hơn 1.000m2 trồng cà chua thương phẩm để bà con nhìn vào. Nếu mô hình mình làm thất bại thì bà con không làm theo đâu. Năm ngoái bà con đã tận mắt thấy cà chua ghép ở mô hình của chúng tôi làm, nên năm nay nhiều hộ đăng ký nhưng không đủ giống cung cấp.

Giống cà chua ghép mà Trung tâm tiến hành ghép là giống cà chua Tre Việt số 10 và giống Savior ghép trên gốc cà tím. Qua hai vụ đã chắc chắn thành công, năm nay Trung tâm ghép giống cà chua Pháp trồng thử để xem mức độ thích nghi của giống này trên cánh đồng Mường Lò thế nào sau đó sẽ nhân rộng.

Giống cà chua ghép ngoài kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn và tuyến trùng rễ còn chống được ngập úng, chịu nhiệt, trồng được trái vụ, thời gian thu hoạch kéo dài thêm 15 ngày và trồng được hai vụ. 

Theo tính toán của ông Hùng, mỗi gốc cà chua ghép cho thu 3,5- 4kg, mỗi ha trồng 40.000 gốc, nếu trồng hai vụ thu từ 300-320 tấn, giá  từ 5.000- 7.000đ/kg thì chắc chắn thu trên 500 triệu ha, trừ chi phí còn lãi 300 triệu.

Dẫn chứng là ông Hoàng Văn Pành, tổ 2 phường Cầu Thia năm ngoái trồng 500m2 cà chua ghép, sau vụ cà chua đủ tiền mua chiếc tivi 18 triệu và chiếc xe tay ga hơn 30 triệu.


Số lượt đọc: 565 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác