Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao
07/12/2020

Dẫn dụ, gây nuôi chim yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, từ 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến.

 

Đó là thông tin được chi sẻ tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp Chủ đề: “Phát triển bền vững ngành nuôi yến hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức tại TP Rạch Giá, sáng 27/11.

Nhà nuôi chim yến tăng rất nhanh

Khai mạc diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, nghề nuôi chim yến ở Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ XIX, nhưng nghề nuôi thương mại mới phát triển từ đầu những năm 2000 và tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Hiện nay, cả nước có 43/63 tỉnh, thành có nhà nuôi chim yến, với số lượng khoảng gần 12 ngàn nhà nuôi yến, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 102 tấn/năm

Doanh thu mang lại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, giá bán hiện nay từ 10-30 triệu đồng/kg tổ yến, tùy chất lượng theo phân loại A, B, C. Riêng tổ yến đảo tự nhiên có thể lên đến vài ngàn USD/kg.

Có 3 vùng là ĐBSCL (13/13), Đông Nam Bộ (6/6), Nam Trung Bộ (8/8) có 100% tỉnh, thành có nhà nuôi chim yến. Tỉnh có số nhà yến nhiều nhất là Kiên Giang (khoảng 2.500 nhà), Bình Thuận (1.200 nhà)…  

Kiên Giang hiện là tỉnh có số lượng nhà yến nhiều nhất cả nước, với khoảng 2.500 nhà, trong đó nhà kiên cố chiếm khoảng 50%, sản lượng tổ yến thu hoạch ước đạt 17 tấn/năm, mang lại doanh thu trên 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, nghề nuôi chim yến nhà tăng nhanh thời gian qua cũng gây ra những bất cập, như phát triển trong đô thị, khu dân cư, gây ô nhiềm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường…

Hơn nữa, nghề nuôi chim yến tự phát, sản phẩm làm ra không có thương hiệu, giá cả đầu ra luôn bị biến động.

Theo các đại biểu, bất cập hiện nay không chỉ là việc xây nhà nuôi chim yến tự phát, không theo quy hoạch, dẫn đến ô nhiêm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường… Chưa xây dựng được thương hiệu, thị trường tiêu thụ, mà chỉ xuất khẩu tiểu ngạch với giá thấp.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số người dùng bẫy bắt chim yến để bán cho những người mua chim phóng sinh, thậm chí giết thịt, gây giảm tổng đàn trong tự nhiên.

Phát triển nghề nuôi chim yến bền vững

 

Theo Cục Chăn nuôi, khu vực Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi chim yến và có nhiều nước có nghề nuôi chim yến phát triển. Riêng Việt Nam hiện có sản lượng khoảng hơn 100 tấn/năm, ngoài tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu đi Đài Loan, Trung Quốc…

Về thể chế và quản lý nghề nuôi chim yến, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư có liên quan. Đặc biệt Luật Chăn nuôi năm 2018 đã đề ra những quy định cụ thể về quản lý nuôi chim yến.

“Trong đó, quy định vùng nuôi chim yến do UBND tỉnh, thành trình HĐND cùng cấp quyết định. Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 đề xi ben A (dBA), thời gian phát âm thanh từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ hàng ngày”.

Để nghề nuôi chim yến nhà phát triển bền vững, cần tuân thủ các quy định, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị yến sào, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để xuất khẩu chính ngạch sang các nước có nhu cầu.

Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, Cục Chăn nuôi  (Bộ NN-PTNT), đề xuất Chính phủ “Sớm ban hành Nghị định xử phạt để có chế tài xử lý khi có vi phạm trong hoạt động chăn nuôi nói chung và ngành yến nói riêng, nhất là tình trạng săn bắt giết thịt, phóng sinh. Có chính sách hỗ trợ sơ chế, phát triển thị trường”.

Tại diễn đàn, các hộ dân có nhà nuôi chim yến đã đạt hàng loạt câu hỏi liên quan đến quy định, chính sách, kỹ thuật nuôi và thương mại hóa sản phẩm tổ yến.

Về xây dựng, vận hành nhà yến hiệu quả, theo các chuyên gia tư vấn cần đảm bảo các yếu tố chọn vị trí thuận lợi, làm nhà đúng kỹ thuật… Độ ẩm trong nhà yến nên duy trì tốt nhất từ 70-90%. Về mùi dẫn dụ, cần cân nhắc khi sử dụng mùi nhân tạo, nên dùng phân chim tự nhiên để tạo mùi. Âm thanh, nên tuân thủ quy định về cường độ, thời gian phát, loa ngoài đặt hướng lên trời để hạn chế làm phiền các hộ chung quanh trong khu vực.

Ngoài ra, các hộ nuôi còn hỏi về nguyên nhân chim yến bị chết, giảm đàn… Theo các diễn giả, có nhiều nguyên nhân làm chim yến chết: chết do tuổi thọ, dịch bệnh, chết do chọn lọc tự nhiên những con yếu, dị tật, chim non chết do thiếu thức ăn theo mùa, do bố mẹ bị săn bắt… Thông thường vào mùa đông, mùa mưa chim sẽ chết nhiều hơn các mùa khác.
Giải pháp hiện nay là thực hiện cứu hộ trứng và chim non để ấp nở nhân tạo, nuôi dưỡng chim non bằng thức ăn nhân tạo, khi chim trường thành thì cho nhập đàn trở lại.

Về kỹ thuật, để thu hoạch tổ yến đạt lại A bán giá cao. Thứ nhất cần lưu ý trong quá trình xử lý chất dẫn dụ, vận hành nhà yến, có thể làm tồn dư kim loại năng trong tổ yến.
Thứ 2 cần thường xuyên vệ sinh nhà yến, không để phân quá nhiều, tạo mùi hôi thú. Thứ 3 là nên thu hái tổ đúng thời điểm, không để quá lâu gây xuống màu, nhiều tạp chất (lông)…


Số lượt đọc: 491 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác