Tái cơ cấu ngành rau quả: Nông dân phải liên kết được với doanh nghiệp
08/01/2016

PV NNVN đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) về việc thực hiện tái cơ cấu ngành cây ăn trái.

Nhân rộng mô hình điểm Thực hiện tái cơ cấu, đón đầu hội nhập và tăng trưởng bền vững, theo ông, các địa phương cần phải tổ chức lại SX rau quả như thế nào? Theo tôi, cần phải tổ chức SX một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng SX hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, đồng đều, liên tục trong năm, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị trên một đơn vị SX, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới. Nước ta có nhiều giống rau quả địa phương rất ngon đã được thị trường trong nước công nhận; đồng thời cũng được cơ quan quản lý xác nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phục vụ cho công tác giống rất tốt. Tuy nhiên, nhiều chủng loại vẫn chưa mở rộng diện tích trồng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ri6... nên sản lượng không đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Do đó, việc quy hoạch và phát triển sản phẩm chủ lực là rất quan trọng. Đồng thời, công tác giống tốt cũng phải được tuyển chọn kỹ thì việc tạo sản lượng lớn của cùng một loại giống chất lượng cao sẽ giúp phát triển thương hiệu và giữ thương hiệu cho cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh việc tạo ra liên kết vùng cho từng loại sản phẩm, theo ông, cách làm này mang lại lợi ích gì trong ngành SX rau quả? Thực tế, nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình SX đạt tiêu chuẩn GAP, góp phần rất lớn trong SX an toàn. Đây sẽ là những mô hình SX bền vững trong tương lai, gắn liền với HTX, tổ hợp tác kiểu mới, cắt bỏ được các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, giúp tăng giá trị trong toàn chuỗi cho từng mặt hàng, giảm thiểu dịch hại tấn công và phát triển thành dịch. Tuy nhiên, những mô hình này mới được thực hiện ở quy mô nhỏ, rải rác, sản lượng ít, chỉ có trong một giai đoạn nhất định trong năm và chưa liên kết được với DN lớn, nên việc buôn bán chưa tăng lợi nhuận bền vững như mong muốn. Việc liên kết vùng cho từng sản phẩm mang tính cách mạng cho SX nông nghiệp nếu được quy hoạch và thực hiện nghiêm túc, có cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý. Trong đó hai mắt xích quan trọng nhất trong liên kết là DN và nhóm nông dân SX theo hướng chất lượng cao (GAP, SX hữu cơ). Từ mô hình SX thành công ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy rất rõ: Nhà nước tạo điều kiện để các vùng SX, xây dựng nhiều HTX SX và tiếp thị sản phẩm của mình, ngành nông nghiệp địa phương cần tổ chức thi đua giữa các HTX, chọn khen thưởng các cá nhân, đơn vị giỏi và hiệu quả nhất; đồng thời lấy đó làm mô hình điểm để nhân rộng. Còn ở nước ta, với điều kiện nhiệt đới, có các biện pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng vào SX, nhiều cây ăn quả nổi tiếng của ta đã có thể xử lý cho ra trái quanh năm như thanh long, xoài, bưởi, cam, chôm chôm, nhãn, sầu riêng... đây cũng là lợi thế mà không phải nước nào cũng làm được. SX rải vụ gắn với liên kết lớn Nước ta có điều kiện cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế nếu đi vào tổ chức SX rải vụ một cách hợp lý. Vậy để làm được điều này, cần phải có cơ chế như thế nào hỗ trợ cho các địa phương điều chỉnh SX? Trước hết, cần phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng SX tập trung, liên kết giữa các địa phương với nhau thành vùng SX hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Ở đây, vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết SX và điều tiết rải vụ, nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó. Phải có cơ chế liên kết và chia sẻ lợi nhuận hợp lý, minh bạch cho từng thành viên; bảo hiểm trong SX cũng góp phần tạo sự thành công, nhất là trong giai đoạn đầu còn khó khăn. Hơn nữa, việc nghiên cứu và nắm vững thị trường, đối tác, đối thủ, nhu cầu theo mùa vụ là rất quan trọng, giúp điều tiết SX rải vụ một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

Để từng bước nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế, ta cần phải triển khai xây dựng thương hiệu như thế nào cho các sản phẩm rau quả chủ lực, thưa ông? Việc thống nhất xây dựng thương hiệu mạnh, mang tính quốc gia cho từng sản phẩm chủ lực rất cần thiết, vì hiện nay trên cùng một chủng loại quả như cây thanh long, ở nước ta có quá nhiều DN tham gia đóng gói và xuất khẩu với nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng chưa đại diện cho “quốc quả”. Do vậy, dẫn đến việc các DN tự cạnh tranh, tự giảm giá để xuất khẩu. Đồng thời, những DN nhỏ bị bóp chết, còn DN nước ngoài thu mua lại có lợi. Trong khi đó, ở nước ngoài, mỗi DN hay hiệp hội đại diện xuất khẩu chỉ một hoặc hai sản phẩm chủ lực và là đầu mối duy nhất, độc quyền cho sản phẩm đó, những DN khác làm “vệ tinh” cho DN đại diện. Chính vì vậy, tất cả các nhà nhập khẩu đều phải lệ thuộc vào DN hay hiệp hội này. Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế trong thời gian tới, cần phải thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Tổ chức SX và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi là khâu rất quan trọng, giúp giảm thiểu các khâu không cần thiết trong tất cả các khâu từ SX đến đóng gói, tiêu thụ, như vậy lợi nhuận đến tay người nông dân sẽ tăng lên. Trong công tác bảo hộ và nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả cần phải được đầu tư phát triển như thế nào? Đối với giống mới và công tác bảo hộ giống, với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, nước ta có chủng loại cây ăn quả đa dạng với nhiều sản phẩm nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các giống này còn có những hạn chế khi đưa vào SX quy mô hàng hóa, năng suất và chất lượng chưa cao, mẫu mã không đẹp, kích cỡ không đều, vị không đặc trưng… Do vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới, đặc biệt là chương trình đầu tư dài hạn (ít nhất 10 năm) cho nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả vì đây là những đối tượng dài ngày. Kết hợp tốt phương pháp chọn giống truyền thống với phương pháp hiện đại (chuyển gen, nuôi cấy mô) để rút ngắn được thời gian, kinh phí và nhanh chóng tạo ra những giống mới có giá trị kinh tế cao… Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm tốt công tác bảo hộ giống mới ở cả trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực giảm thiểu tình trạng mất giống, ăn cắp bản quyền giống mà còn tăng hiệu quả SX, tăng tính cạnh tranh nhờ độc quyền trong SX và cung ứng sản phẩm. Xin cám ơn ông!.


Số lượt đọc: 862 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác