KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27-7: UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
22/07/2016

Dựng nước và giữ nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Thực tế lịch sử dân tộc ta cho thấy, từ xưa đến nay dân tộc ta bị nhiều thế lực nước ngoài xâm lược: Thời cổ trung đại các triều đại phong kiến Trung Hoa và đế quốc Nguyên Mông; thời cận đại thực dân Pháp và phát xít Nhật; thời hiện đại thực dân Pháp và đế quốc Mĩ…

         Mỗi khi Tổ quốc ta bị kẻ thù xâm lược thì nhân dân ta với truyền thống yêu nước, anh dũng bất khuất chống ngoại xâm đã đứng lên cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và nền độc lập dân tộc, bảo vệ cuộc sống hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân. Trong cuộc chiến đấu đó nhiều người đã anh dũng hi sinh ngoài chiến trường, góp phần lập nên những chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Đến giữa thế kỉ XIX trở đi, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta lại đứng lên chiến đấu chống lại một tên đế quốc hung bạo và lớn mạnh gấp bội. Trong cuộc chiến đấu đó đã có nhiều tấm gương hi sinh cao cả: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai…Những cống hiến của các anh hùng liệt sĩ đó đã góp phần cùng dân tộc đi đến thắng lợi vẻ vang làm cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc.

         Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” nhân dân cả nước lại một lần nữa phải đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kì…”. Từ ngày 19-12-1946 trở đi, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân ta nhất tề đứng lên chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó nhiều chiến sĩ và nhân dân ta đã bị hi sinh hoặc bị thương, đổ máu trên khắp các chiến trường. Từ năm 1947 trở đi, số người bị thương và hi sinh trong các chiến dịch ngày càng tăng cao, thương binh liệt sĩ trở thành vấn đề lớn được đặt ra và phải giải quyết. Hồ Chủ tịch là người đầu tiên nhận thức rõ điều này. Để giải quyết vấn đề này, ngày 16-2-1947, tại chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ đã kí Sắc lệnh số 20/SL“Qui định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Ngoài ra Người còn kêu gọi toàn dân và các cấp, các ngành hết lòng giúp đỡ thương binh và gia đình tử sĩ. Sắc lệnh trên được ban hành và thực hiện đã có ý nghĩa rất quan trọng trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Sau khi Sắc lệnh 20 của Chính phủ được ban hành, các cấp, các ngành và tất cả các địa phương trong cả nước đã triển khai, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. Chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về công tác thương binh liệt sĩ được đề ra kịp thời góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho thương bệnh binh và các gia đình chính sách trong kháng chiến.

         Tháng 6-1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số tỉnh đã họp hội nghị bàn thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch về chọn ngày kỉ niệm thương binh liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Chiều ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên) đã diễn ra cuộc mít tinh với sự tham dự của khoảng 2000 người. Tại cuộc mít tinh, đại diện Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày Thương binh toàn quốc. Trong thư có đoạn Bác viết: “… Thương binh là những người đã hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

         Từ năm 1947 trở đi, ngày Thương binh được tổ chức thường kì mỗi năm. Hàng năm đến ngày 27-7, Hồ Chủ tịch thường xuyên gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và kêu gọi toàn xã hội phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp kết thúc thắng lợi, đến năm 1955, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi ngày Thương binh 27-7 thành ngày  Thương binh Liệt sĩ.

         Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ biết bao chiến sĩ và nhân dân ta đã anh dũng hi sinh hoặc bỏ lại một phần xương thịt ngoài chiến trường để giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc ta như ngày hôm nay. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước ta đã được hòa bình, nhân dân ta đã được ấm no, hạnh phúc, nhưng những hi sinh mất mát trong chiến tranh của biết bao thế hệ người Việt Nam không gì bù đắp nổi. Mỗi người dân chúng ta hôm nayvà mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, thương binh đã quên mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.


Số lượt đọc: 1077 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác