Đề nghị xử phạt lao động công ích người vi phạm hành chính
18/06/2020
Đại biểu Quốc hội cho rằng xử phạt lao động công ích sẽ có tác dụng tích cực trong việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) sáng 18/6, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định "phạt lao động công ích" đối với người vi phạm. Trong đó, quy định rõ "lao động công ích gồm những việc gì, thời gian bao lâu, cơ chế giám sát như thế nào".

Theo bà Hoa, hình thức xử phạt này đã được nêu trong nghị định 143 năm 1977 và Pháp lệnh 15 Quốc hội khóa X năm 1999. Nhiều nước như Anh, Mỹ cũng dùng hình thức phạt lao động công ích đối với một số vi phạm. "Lao động công ích giúp người vi phạm hình thành ý thức chấp hành pháp luật", bà Hoa nói và phân tích, người vi phạm sẽ nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng thông qua quá trình lao động cộng ích. Trong khi đó, hình thức phạt tiền không có hiệu quả với nhiều vi phạm, như người gây mất trật tự công cộng hay bạo lực gia đình. Thậm chí, những người là nạn nhân của bạo lực gia đình lại là nạn nhân kép, khi họ vừa phải chịu đòn vừa phải dùng tiền đi nộp phạt thay cho chồng.

"Vì thế, rất nhiều người cân nhắc phản ánh bạo lực gia đình với cơ quan chức năng, vì sợ mất tiền của gia đình", đại biểu Hoa nói. Bà cũng đề nghị Ban soạn thảo có cơ chế bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng lao động công ích để xâm hại quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói phạt lao động công ích sẽ tăng cường hiệu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nên áp dụng hình phạt này với người vi phạm trong độ tuổi thanh niên 16-30 vì luật Thanh niên vừa được Quốc hội thông qua quy định "thanh niên phải gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật".

"Phạt tiền không có tác dụng nhiều với những người trẻ vì thông thường họ sẽ dùng tiền của gia đình để nộp phạt", ông nói.

Theo ông Cảnh, các chế tài trong Luật Phòng chống tác dụng rượu bia vừa qua đã giúp các vi phạm liên quan tới rượu bia giảm sâu. Vì vậy, quy định hình thức xử phạt lao động công ích cũng sẽ làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật hành chính đối với thanh niên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho hay chỉ Toà án mới có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích với người vi phạm. "Nếu quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ vi phạm Công ước về lao động cưỡng bức mà Quốc hội vừa phê chuẩn", ông nói.

Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012, Ban soạn thảo đã trình Quốc hội đề xuất xử phạt lao động công ích, áp dụng hạn chế đối với những người vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự nhỏ. Tuy nhiên, lúc đó Quốc hội không đồng ý vì còn băn khoăn hình thức này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đưa vào luật thì không phù hợp về pháp lý; hình phạt lao động công ích phải áp dụng qua con đường tư pháp.

Ngoài ra, đề xuất trên cũng được cho là chưa khả thi vì thực tế có người từ Hà Nội vào TP HCM vi phạm, vậy người này phải lao động công ích ở Hà Nội hay TP HCM?

"Kỳ này chúng tôi chỉ sửa vấn đề cấp thiết, để đưa đề xuất nói trên vào Luật thì phải nghiên cứu kỹ tính hợp Hiến, hợp pháp và phải đánh giá toàn diện", ông Long nói.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020.

 


Số lượt đọc: 1167 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác