Rắn ri cá dễ nuôi, ít bênh tật, đầu ra không khó
12/07/2017
Trước đây đa phần người nuôi rắn hoang dã thường chọn rắn hổ hèo hoặc ri voi, nay có một mô hình nuôi rắn ri cá, hiệu quả thật không ngờ!

Rắn ri cá hình dạng cũng giống như ri voi nhưng thân hình dài hơn và ít hung dữ hơn. Người đầu tiên ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nuôi rắn ri cá thành công là anh Bùi Hoàng Bằng, 37 tuổi. Sau một thời gian theo dõi bà con ở nông thôn đặt lờ, đặt lọp và lú bắt được nhiều rắn ri cá, anh liền có ý tưởng mua những con nhỏ về nuôi. Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 50 con trong mương ao bằng cách thả trong vèo (mùng lưới). Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm anh nhận thấy rắn lớn khá nhanh, con mập mạp, anh liền tuyển chọn bán lứa đầu tiên được 30 triệu đồng. Số còn lại tiếp tục nuôi làm con giống cho sinh sản.

Không phải đây là lần đầu tiên anh Bằng khởi nghiệp bằng chăn nuôi mà ngay từ năm 2009 anh đã trải nghiệm với nghề nuôi thỏ, nhờ vậy mà anh đã rút ra được một bài học kinh nghiệm cho việc chọn mô hình nuôi rắn sau này.

Sau một thời gian mày mò với con rắn ri cá, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, đặc biệt là quá trình cho rắn sinh sản. Từ tín hiệu tích cực ban đầu, anh tiếp tục đầu tư thêm vèo lưới, dọn ao mương, khai thông cống rãnh để chuẩn bị nuôi quy mô lớn hơn. Không bao lâu đàn rắn đã tăng lên hơn 1.000 con lớn nhỏ. Lúc bấy giờ anh mới tự tin dồn sức cho mô hình nuôi rắn trong vèo mà anh là tác giả.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn, anh đã thiết kề chuồng nuôi dưới nước bằng hình thức treo mùng lưới, còn gọi là “vèo”. Tất cả các vèo đều làm bằng lưới nylon đủ bảo đảm an toàn cho rắn không bò ra ngoài được. Kích thước mỗi vèo 3 x 2m, diện tích 6m2, có thể thả nuôi 17 con/m2.

Anh cho biết điều quan trọng là vèo nuôi phải thoáng, ao mương phải sạch, nước vô ra thường xuyên. Trong trường hợp mương vườn không có đường thoát nước cần thường xuyên sát trùng bằng vôi bột và muối. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi vèo cần thả lục bình vì lục bình có tác dụng lọc sạch nước, mặt ao mát mẻ và yên tĩnh, đồng thời cũng giúp cho rắn có nơi ẩn trú.

Theo kinh nghiệm của anh, nuôi rắn cho sinh sản phải chăm sóc thật kỹ, đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi con bố mẹ, cho ăn riêng, nhưng với niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của loài bò sát này, anh đã vượt qua mọi mọi khó khăn ban đầu và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo anh muốn cho rắn đẻ nhiều, người nuôi phải chọn con bố mẹ trước khi cho rắn phối giống. Cần nhốt chung phân nửa đực và phân nửa cái để rắn đẻ đều và đẻ nhiều. Tốt nhất là chọn những con bố mẹ có trọng lượng trên 800gr và cho giao phối từ đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 - 7 âm lịch. Rắn ri cá mỗi năm con cái đẻ một lần, bình quân mỗi lần từ 10 - 30 con. Đối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2kg có thể đẻ 35 con/lứa. Sau khi lọt khỏi mình mẹ, rắn con bám vào rễ lục bình, lúc đó người nuôi bắt ra nhốt riêng, sau một tuần mới bắt đầu cho ăn.

Người nuôi nếu chăm sóc kỹ, thức ăn đầy đủ, sau 15 - 18 tháng tuổi rắn có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,7kg/con. Muốn cho rắn mau lớn, phát triển đồng đều, trước khi thả vô vèo người nuôi phải chọn những con có kích cỡ bằng nhau, không dị tật và mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Về cách chăm sóc, đối với rắn thịt cứ ba ngày anh cho ăn một lần và rắn đẻ mỗi tuần cho ăn một lần. Thức ăn chính của rắn là cá tạp như rô, sặt, rô phi và các loại cá trắng khác.

Anh khẳng định, nuôi rắn ri cá có nhiều cái lợi hơn rắn ri voi. Tuy ít thịt nhưng thịt ngọt hơn rắn ri voi. Về hiệu quả kinh tế, rắn ri voi giá thương phẩm từ 600.000 - 700.000đ/kg, rắn ri cá có giá từ 380.000 - 400.000đ/kg nhưng rắn ri cá dễ nuôi, dễ chăm sóc hơn nhờ kháng bệnh tốt, tiền đầu tư cũng nhẹ hơn, rất thích hợp với kinh tế hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện rắn ri cá rất hút hàng, nhiều nhà hàng, quán ắn luôn săn tìm, coi rắn ri cá và ri voi là đặc sản quý hiếm ở miền Tây. Theo y học cổ truyền, các loài rắn nước không chỉ thịt ngon, hấp dẫn mà còn có giá trị về dinh dưỡng nên ai cũng muốn khám phá và trải nghiệm.


Số lượt đọc: 761 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác