Sơn La; Trồng chanh leo, nhìn đâu cũng thấy trái, ông nông dân người Mông thu hàng trăm triệu
12/11/2020
Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, năm 2017, anh Đinh Văn Vinh, dân tộc Mường (bản Tường Han, xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã chuyển đổi hơn 1ha đất trồng ngô sang trồng cây chanh leo.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Vinh cho biết: Trước khi bén duyên với chanh leo, gia đình tôi trồng cây ngô. 

Mấy năm trở lại đây, công sức bỏ ra trồng ngô không bù lại được chi phí. Đang trăn trở tìm cây trồng mới để phát triển kinh tế thay thế cây ngô, năm 2017, được cấp uỷ, chính quyền cơ sở và Hội Nông dân đến tận nhà vận động trồng cây ăn quả.

"Sau khi tìm hiểu, gia đình tôi đã chọn cây chanh leo để trồng thử nghiệm. Do là cây trông mới, chưa biết hiệu quả kinh tế đến đâu nên ban đầu tôi chỉ trồng trên diện tích nhỏ. Trong quá trình trồng, tôi luôn chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp...".

Sau 4 tháng - 5 tháng chăm sóc, cây chanh leo lúc lỉu những quả là quả, ăn rất thơm ngon. Nhận thấy cây chanh leo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi này, gia đình anh Vinh làm thêm giàn, đào hố, chôn cột xuống đất mở rộng diện tích trồng chanh leo lên 1,5ha.

 

Trồng loại cây này, lão nông người Mường thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Để giảm chi phí sản xuất, anh Vinh không thuê nhân công mà trực tiếp phát cỏ cho diện tích chanh leo của mình.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây chanh leo, anh Vinh bảo: Chi phí đầu tư trồng cây chanh leo không quá lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, cho thu hoạch liên tục trong nhiều năm. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần so với những cây trồng khác. Đặc biệt, so với trồng ngô, chanh leo cho thu hoạch gấp 3 lần – 4 lần.

Nói về kỹ thuật trồng cây chanh leo, theo anh Vinh, đây là loại cây ưa độ ẩm nên phải cung cấp nước đầy đủ thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. 

Vào mùa khô, phải tưới nước 2 lần/ngày, chanh leo mới ra hoa và đậu quả tốt. Ngoài ra, cần bón phân đầy đủ cho cây, đặc biệt là phân chuồng ủ hoai mục để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây và giúp cải tạo đất. 

Mặt khác, cần tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. 

Bên cạnh đó, cần cắt tỉa, tạo tán thường xuyên cho chanh leo để ra chồi mới giúp cây ra hoa, đậu quả tốt hơn và hạn chế nấm bệnh gây hại cho cây.

Trồng loại cây này, lão nông người Mường thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Công việc cắt tỉa cành, tạo tán không những giúp diện tích chanh leo của anh Vinh đậu nhiều quả hơn mà còn hạn chế được sâu bệnh hại trên cây chanh leo.

Trung bình 1ha chanh leo cho thu hoạch từ 20 tấn quả mỗi năm. Năm 2020, gia đình anh Vinh thu trên 25 tấn quả, bán với giá trung bình 6.000 đồng/kg. Doanh thu trên 100 triệu đồng. 

Sau khi trừ chi phí, anh Vinh lãi khoảng 80 triệu đồng. Không những vậy, để nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Vinh còn trồng thêm 0,5ha cam, chăn nuôi hàng chục con gia súc.

Trồng loại cây này, lão nông người Mường thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Bên cạnh trồng chanh leo, anh Vinh còn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây cam.

Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Do, cho biết: Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh ủy Sơn La, năm 2017, từ sự hỗ trợ chi phí và tập huấn kỹ thuật trồng của huyện Phù Yên, cây chanh leo bắt đầu bén rễ với mảnh đất Mường Do. 

Đến nay, tổng diện tích cây chanh leo toàn xã đạt trên 60ha. Đây là loại cây trồng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Do.

Trung bình mỗi năm, trồng 1ha chanh leo, người dân cũng "bỏ túi" ít nhất từ 40 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, so với ngô, sau một năm chăm sóc vất vả, trừ chi phí người dân lãi chưa đến 20 triệu đồng. 

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao thêm khoa học kỹ thuật và cách phòng, chống sâu bệnh gây hại trên cây chanh leo cho người dân. Từ đó, mở rộng thêm diện tích trồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trồng loại cây này, lão nông người Mường thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Đến vụ thu hoạch, để chanh được giá, anh Vinh dùng ô tô chở bán trực tiếp cho một số doanh nghiệp và đơn vị trên địa bàn huyện Phù Yên và tỉnh Sơn La.

Có thể nói, cây chanh leo đã và đang thực sự là một trong những giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân ở Sơn La nói chung, vùng đất Mường Do nói riêng. 

Thiết nghĩ rằng, trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền nơi đây cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho một số doanh nghiệp vào liên kết trồng chanh leo trên địa bàn. Qua đó, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất.


Số lượt đọc: 686 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác