Đầu ra cho rau an toàn vẫn khó
10/05/2017

Quy trình sản xuất rau an toàn đã dần chuẩn hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chất lượng rau được đảm bảo, các dư lượng thuốc trừ sâu được kiểm soát. Tuy nhiên, đầu ra của rau an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc nhiều vào thương lái.

QUY TRÌNH ĐÃ ĐẠT CHUẨN

Ông Nguyễn Văn Thuyên (tổ 15, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành có 5.000m2 đất trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên diện tích đất này ông Thuyên trồng các loại rau ăn lá và các loại rau thơm, trong đó chủ yếu là hành lá và cải thìa.

Hàng ngày, ngoài theo dõi sự sinh trưởng của cây, ông còn ghi quá trình phát triển của cây từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, thời gian cách ly sau bón phân, đến ngày thu hoạch… để có hướng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đợt này, gia đình ông đang thu hoạch và bán cho thương lái 80 luống hành lá với diện tích 1.250m2, với giá thu mua tại vườn 20.000 đồng / kg.

Nhìn những luống hành lá xanh mơn mởn, mát mắt được thương lái đặt mua hết với giá cao, ông Thuyên phấn khởi cho biết: Đợt mưa vừa qua nhiều diện tích hành lá của bà con nông dân thôn Láng Cát bị nổ lá, úng, hiện chỉ còn của gia đình ông là “sống sót”. “Khi cơn mưa đầu mùa vừa qua trút xuống, tôi xử lý kịp thời không để nước gây úng rễ, nổ lá nên đã cứu được diện tích hành của gia đình.

Với 80 luống hành này, gia đình tôi thu về 35 triệu đồng, trừ chi phí, tôi lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, giá các loại rau 3 tuần trở lại đây đã tăng trở lại nên nguồn thu cũng tăng lên. Trung bình 1 năm với 6 vụ rau, gia đình tôi lãi khoảng 100 triệu đồng”, ông Thuyên cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng tổ rau an toàn Láng Cát, xã Tân Hải cũng có 3.000m2 đất trồng rau an toàn với các loại rau như: tía tô, húng quế, hành lá, rau cải thìa, rau dền… Từng cây rau, luống rau cũng được ông ghi ghép đầy đủ, tỉ mỉ suốt quá trình sinh trưởng từ khâu làm đất đến xuống giống, chăm sóc, thậm chí khi đến giai đoạn bón phân ông còn ghi rõ tên loại thuốc bón, liều lượng, tên cửa hàng mua thuốc.

Ông Hưng cho biết: “Trồng rau theo quy trình rau an toàn người nông dân phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn. Hàng ngày, tôi thường xuống các ruộng rau của tổ kiểm tra và nhắc nhở các thành viên tuân thủ quy trình trồng rau an toàn”.

HTX Phước Hải (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cơ sở đầu tiên tại BR-VT thực hiện trồng rau và sơ chế rau theo quy trình sản xuất rau an toàn đến nay cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng sơ chế rau với diện tích hơn 400m2, được chia thành từng khu xử lý thô, bể ôzôn diệt khuẩn, hệ thống máy vắt ly tâm, sắp xếp đóng gói dán nhãn…

Mỗi hộ tham gia cung cấp rau cho HTX đều bắt buộc phải có nhật ký trồng với các nội dung: điều tra về tình hình canh tác, sâu bệnh hại trên rau, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng rau bán hàng ngày… Với diện tích canh tác 8,7ha rau xanh được trồng theo phương pháp an toàn, mỗi tháng HTX có thể cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 100 tấn rau xanh các loại. 

ĐẦU RA VẪN BẤP BÊNH

Ghi nhận từ các cơ sở, hợp tác xã sản xuất rau an toàn cho thấy, người trồng rau an toàn phải đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với sản xuất thông thường; vị trí đất trồng rau không bị ô nhiễm; quy trình trồng phải bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP; rau an toàn phải qua chứng nhận và kiểm nghiệm chặt chẽ của cơ quan chức năng về ATVSTP. Chi phí cao hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá bán vẫn như rau thông thường.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng tổ rau an toàn Láng Cát, xã Tân Hải cho biết: Hiện tổ rau an toàn Láng Cát có 23 thành viên, trồng 2,8ha trung bình mỗi ngày tổ thu hoạch khoảng 4 tấn rau, nhưng tiêu thụ chỉ khoảng 1-1,5 tấn rau. Các loại rau này được bán chủ yếu ở thị trường TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu và một số chợ như Ngọc Hà, Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty thép miền Nam và xuất bán ra một số tỉnh, thành lân cận. Giá bán trực tiếp cho người tiêu dùng không qua thương lái là 10.000-12.000 đồng/kg, còn bỏ cho thương lái thì trung bình 7.000 đồng/kg.

Ông Hưng cho biết thêm: “Chúng tôi dự  định sẽ mở các cửa hàng rau an toàn tại chợ và trong các khu công nghiệp. Các cửa hàng rau này sẽ được gắn biển với đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, số điện thoại liên lạc… để giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn rau an toàn”.

Ông Đồng Việt Chính, Chủ doanh nghiệp tư nhân rau an toàn Rồng Việt, huyện Tân Thành cũng cho rằng: “Chúng tôi đeo đẳng làm rau an toàn với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn nhưng hiện vẫn chưa tìm được “đầu ra” ổn định cho sản phẩm. Trầy trật để đưa sản phẩm rau an toàn vào được siêu thị rồi cũng bị lỗ. Đem rau an toàn đi tiếp thị ở các bếp ăn tập thể cũng ít nơi đồng ý mua vì chê giá cao hơn rau ngoài chợ”.

Theo ông Chính, để có “đầu ra” ổn định cho sản phẩm rau an toàn, việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm rau an toàn cần phải được chuyên nghiệp hóa. Nhưng người sản xuất rau thì không có khả năng thực hiện được điều này, do đó rất cần vai trò của doanh nghiệp kinh doanh phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Ông Đặng Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải, huyện Tân Thành cho rằng: Thời gian tới, để rau an toàn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kết nối các DN thu mua rau ổn định, đồng thời có định hướng cụ thể trong việc trồng các loại rau thế mạnh theo mùa, tránh tình trạng cung vượt cầu và nông dân lại rơi vào tình cảnh được mùa mất giá. 


Số lượt đọc: 422 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác