Rèn đạo đức cách mạng bằng nêu gương
09/09/2019

Nêu gương là một giá trị chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhất là người đứng đầu, góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực bản thân và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng suốt hơn 89 năm qua cho thấy: Đảng ta luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành nêu gương ở các cấp; chú trọng phát huy vai trò nêu gương của CB, ĐV chủ trì, chủ chốt. Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, Trung ương đã ban hành rất nhiều quy định liên quan tới trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV. Đây được xem là một sự khẳng định, cam kết chính trị của Trung ương Đảng trước toàn thể CB, ĐV và quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tôi luyện, xây dựng đội ngũ công bộc của dân. Nêu gương không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của CB, ĐV mà còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Như vậy, từ việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt ra trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu các cấp. Đặc biệt, với việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” chính là một nội dung cụ thể của nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về sự tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Quan điểm, tư tưởng về nêu gương của Người là chỉ dẫn, là động lực tinh thần to lớn, là giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của mỗi CB, ĐV, nhất là lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu. Thực hiện lời dạy và noi theo gương sáng của Người, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung toàn diện và sâu sắc hơn. Qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tuy vậy, nhiều ý kiến từ dư luận trong quần chúng nhân dân cho thấy: Việc thực thi các quy định về nêu gương vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, chưa đạt theo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một số CB, ĐV, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống... gây dư luận xấu trong CB, ĐV và nhân dân. Đáng báo động là số đảng viên có chức, có quyền không giữ được mình, bị tha hóa, biến chất; tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật trong 5 năm qua có biểu hiện gia tăng.

Để khắc phục, trong quá trình thực thi quy định về trách nhiệm nêu gương của Trung ương Đảng, các cấp ủy phải lãnh đạo thực hiện nghiêm quy trình nêu gương của CB, ĐV trong chi bộ, tổ chức Đảng cấp mình. Lãnh đạo đi cùng với gương mẫu thực hiện, cấp ủy phải gương mẫu thực hiện nêu gương trước tiên trong thực hiện nhiệm vụ, nêu gương trong đời sống hàng ngày để đảng viên trong chi bộ soi vào đó học tập, làm theo. Để lãnh đạo tốt việc thực hiện nêu gương, ngay từ đầu năm, cấp ủy định hướng nội dung để từng CB, ĐV xây dựng kế hoạch thực hiện trách nhiệm nêu gương; sau đó cấp ủy thẩm định, chi bộ theo dõi, kiểm tra giám sát và đến cuối năm, từng CB, ĐV kiểm điểm, báo cáo kết quả nêu gương trong năm... Để quy định trách nhiệm nêu gương được thực hiện thường xuyên, liên tục thì nghị quyết chi bộ hằng tháng, hằng quý cần có đánh giá việc thực hành nêu gương ở chi bộ mình một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm kịp thời những hạn chế, yếu kém, vướng mắc và triển khai tốt hơn các biện pháp khắc phục trong thời gian tiếp theo.

Để thực hành trách nhiệm nêu gương tránh rơi vào tình trạng “phát” nhưng không “động” hoặc “đánh trống bỏ dùi” thì vai trò giám sát của nhân dân là vô cùng quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin tới mọi tầng lớp nhân dân những nội dung của quy định trách nhiệm nêu gương để người dân hiểu, giám sát đúng, hiệu quả với CB, ĐV, nhất là với người đứng đầu. Đặc biệt, để người dân giám sát hiệu quả thì các địa phương, cơ quan, đơn vị cần xây dựng cơ chế giám sát, như: Ban hành quy chế để nhân dân chấm điểm về việc thực thi trách nhiệm nêu gương; giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện lời hứa của lãnh đạo chính quyền địa phương với nhân dân; đa dạng hóa các kênh tiếp thu ý kiến của nhân dân qua hệ thống đường dây nóng, hộp thư điện tử, hòm thư góp ý...; định kỳ hàng tháng tổ chức đối thoại, chất vấn giữa người đứng đầu các cấp với nhân dân về nêu gương.

Thực hiện tốt việc nêu gương, trước tiên phải là phát huy tính tự giác, chủ động trong mỗi CB, ĐV mà đặc biệt là người đứng đầu các cấp. Cần nhận thức sâu sắc rằng, nêu gương là vì chính bản thân mình trước, vì lòng tự trọng của bản thân, vì công việc được tổ chức giao phó. Bên cạnh “xây” và “chống”, việc nhân rộng những tấm gương điển hình, phát hiện kịp thời những điển hình, nhất là những cán bộ đứng đầu noi gương hiệu quả là phần việc hết sức quan trọng. Trên cơ sở phê phán những hạn chế, tiêu cực, cần tích cực tuyên dương, cổ vũ gương người tốt, việc tốt trong thực hành nêu gương; để cái tốt giữ vai trò chủ đạo, nhất là tầm ảnh hưởng của CB, ĐV tới mọi tầng lớp nhân dân.

 


Số lượt đọc: 945 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác