Nuôi cá chạch quế
05/12/2016
Ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài cá chạch đồng (chạch bùn - Misgurnus anguillicaudatus Cantor) thuộc họ cá chạch (Cobitida); còn có chạch sông (chạch lấu - (Mastacembelus favus).

Cũng thuộc họ cá chạch, hiện tại còn có cá chạch quế (Macrognathus aculeatus) với đặc điểm thịt dai và ngọt cộng với xương mềm (xương sụn), chế biến được rất nhiều món ăn ngon và khi thưởng thức, ăn hết không bỏ gì cả nên rất được ưa chuộng trong các quán ăn, nhà hàng, đáp ứng thị hiếu của thực khách.

BS Phó Đức Thuần  cho biết, Trong đông y, chạch vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ khí huyết chống lão suy, tráng dương (là thức ăn quý của người già), thanh nhiệt trừ thấp, chữa các bệnh về mật, tụy, trĩ... Nhớt của chạch có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn mạnh.Đặc biệt cá chạch cùng một số dược liệu khác chữa các bệnh về gan, như: viêm gan cấp, viêm gan mạn, viêm gan vàng da, ung thư gan. Theo Tây y, cá chạch có tới 17 acid amin thiết yếu nên dễ hấp thụ khi ăn. Cá chạch được xếp vào nhóm thực phẩm có màu đen, có nhiều công dụng chống oxy hóa. Nhớt của cá chạch có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn mạnh…. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Tương tự như cá chạch đồng, nhưng chạch quế cũng có những đặc điểm sinh học riêng.

Cá chạch quế thân tròn, dẹt bên, nhất là gần đuôi; khi trưởng thành dài khoảng 15cm. Đầu nhỏ, hơi nhọn, mắt nhỏ, miệng thấp có râu.

Da mỏng, dưới da có nhiều tuyến tiết chất nhờn nên rất trơn nhẵn. Vảy nhỏ, nằm sâu dưới da nên khó thấy, khiến nhiều người tưởng cá chạch là da trơn, không vảy. Vây lưng không có gai cứng; vây ngực và vây bụng ngắn; vây đuôi rộng.

Cá có màu vàng, nâu hoặc xám đen, màu lưng xẫm hơn bụng. Trên thân có nhiều chấm, mỗi chấm do rất nhiều chấm nhỏ hợp thành.

Đặc biệt là cá chạch quế đã được thuần hóa, có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, có thể nuôi với nhiều hình thức: trong ao, bể lót bạt/xi-măng, nuôi bè… Đây là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi với hình thức thâm canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Nếu nuôi cá chạch quế đúng kỹ thuật thì sau 3 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch với kích cỡ 30 - 40 con/kg. Với giá thành sản xuất từ 75.000- 80.000đ/kg và giá bán dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, thậm chí là 220.000 - 250.000 đồng/kg (tùy vào thời vụ) thì mô hình nuôi cá chạch quế quả là đáng được nhân rộng.

Tuy nhiên, khi phát triển đối tượng này người nuôi nên thận trọng, nhất thiết phải có liên kết và hợp đồng tiêu thụ để tránh rủi ro cung vượt cầu. Chính vì thịt ngon, giá trị dinh dưỡng và có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cao nên để tránh cá chạch nói chung và các chạch quế nói riêng trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường, các nhà khoa học đã nghiên cứu nuôi và cho sinh sản nhân tạo thành công. Do đó, việc phát triển các mô hình nuôi cá chạch quế sẽ là hướng nhiều triển vọng đa dạng hóa các đối tượng thủy đặc sản, không những thêm một sản phẩm thủy sản nuôi trồng có tác dụng về mặt y học mà còn thỏa mãn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

* Nhu cầu về giống chạch quế chất lượng cao xin liên hệ với Trại giống Thủy sản Cồn Dông – Trung tâm giống NN và Chi cục Thủy sản Vĩnh Long để được tư vấn kỹ thuật


Số lượt đọc: 1840 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác