10 cách để giải nhiệt cho aquaponic trong nhà kính – nhà lưới
12/04/2017
Mùa hè ở khu vực nhiệt đới mang lại thách thức không nhỏ cho các mô hình nhà kính nói chung. Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ bùng phát dịch nấm, stress cá và chất lượng rau. Dưới đây là 10 phương pháp để giảm nhiệt cho aquaponic

  1. Che bóng cây trồng: Lưới che nắng màu bạc rất hiệu quả, nhất là khi cây bị ánh sáng dọi trực tiếp, lắp bên ngoài nhà kính để tránh nhiệt tích tụ, tuy nhiên vẫn có thể lắp trong nhà kính với quạt hút trên cao để hút nhiệt ra ngoài.
  2. Thông gió nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Các bệnh nấm như phấn trắng và mốc đen thường bùng phát trong môi trường có độ ẩm cao và ít thông gió.
  3. Tăng cường sục khí bể cá. Nhiệt độ cao làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước, vì vậy cần tăng lưu lượng bơm nước và sục khí, hoặc có thể làm thêm đài phun nước để giảm nhiệt.
  4. Che tối mặt nước để hạn chế tảo phát triển.
  5. Đảm bảo bơm nước và sục khí liên tục bằng nguồn điện dự phòng. Trong môi trường quá nóng cá có thể chết rất nhanh nếu bị mất điện.
  6. Chuẩn bị tốt các phương pháp phòng trừ sâu bệnh. Các loại sâu bướm, rệp, ruồi trắng… phát triển tốt trong môi trường nắng nóng dài ngày. Lưu ý phương pháp diệt sâu bằng dầu ăn có thể gây cháy lá nên tốt nhất là phun vào buổi tối.
  7. Phun nước vào lá cây làm mát và sạch bụi, chỉnh áp lực nước phù hợp có thể rửa trôi các loại sâu bệnh bám trên lá. Lưu ý không phun nước lúc cây bị ánh sáng dọi trực tiếp vì các giọt nước giống như kính lúp làm cháy lá.
  8. Gieo cây vào buổi tối để tránh sốc nhiệt, cây con rất nhạy cảm với nhiệt độ cao.
  9. Thu hoạch các loại rau ăn lá vào buổi tối hoặc sáng sớm cho chất lượng rau tốt hơn.
  10. Giữ hạt giống và thức ăn cho cá nơi thoáng mát và khô ráo. Nhiệt độ và độ ẩm gây tổn thương hạt giống và làm thức ăn ôi thiu. Giữ sản phẩm ở nơi phù hợp tránh hậu quả không đáng có.


Số lượt đọc: 2535 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác