Hầu hết các loại rau đều có thể trồng bằng phương pháp thủy canh. Trong đó, các loại rau họ cải như cải ngọt, cải dưa, cải bắp, súp lơ, cải ngồng,… các loại rau salad như xà lách, rau diếp, hay các loại rau muống, rau mầm, hành lá,… đều rất thích hợp để trồng với phương pháp này.
Hiểu một cách đơn giản thì trồng rau thủy canh là phương pháp trồng rau không dùng đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng trên các giá thể. Giá thể có thể là cát, trấu, vỏ xơ dừa, than bùn, bông khoáng,… Kỹ thuật trồng rau thủy canh đang ngày càng được ứng dụng phổ biến bởi nó hội tụ nhiều ưu điểm như: năng suất cây trồng cao, có thể trồng được nhiều mùa vụ khác nhau, tiết kiệm diện tích trồng, hạn chế tối đa lượng sâu bệnh cho cây, chất lượng rau được đảm bảo, không tốn nhiều thời gian hay công sức chăm sóc,… Rất nhiều loại rau có thể được trồng với phương pháp này, tiêu biểu có thể kể đến như:
Các loại rau họ cải
Các loại rau họ cải như cải ngọt, cải dưa, cải bắp, súp lơ, cải ngồng,… rất dễ trồng bằng phương pháp thủy canh bởi nó thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới của nước ta. Bạn có thể trồng bằng hạt giống rau, ươm gieo với giá thể để hạt nảy mầm. Sau đó, khi cây đã lên lá có thể đưa chúng lên hệ thống giàn trồng, cung cấp dung dịch dinh dưỡng thủy canh để nuôi cây phát triển. Cây phát triển nhanh trong nước, cho năng suất rau trồng cao.
Các loại rau salad
Các loại rau salad như xà lách, rau diếp,… cũng rất thích hợp trồng trong môi trường thủy canh. Có nhiều cách trồng loại rau này. Bạn có thể trồng bằng gốc xà lách có sẵn hay ươm gieo hạt với giá thể. Đặt gốc rau ngập ½ trong nước để nuôi rễ phát triển. Khi rễ mới xuất hiện, bạn chuyển cây vào rọ nhựa và đặt vào thùng xốp hoặc đưa lên giàn thủy canh để cây hấp thu ánh sáng và dung dịch dinh dưỡng, giúp cây phát triển xanh tốt hơn. Nếu trồng với số lượng lớn, bạn nên ươm gieo mầm trực tiếp vào rọ giá thể sơ dừa hoặc đất sét nung. Đưa rọ trực tiếp lên giàn thủy canh để tiện cho việc chăm sóc rau trồng. Mời bạn xem chi tiết cách trồng rau xà lách tươi ngon bằng mô hình thủy canh.
Rau muống
Rau muống là loại rau quen thuộc trong các bữa cơm gia đình. Nó vốn rất dễ trồng, có thể trồng cả trên cạn và dưới nước. Vì thế, nó rất thích hợp để trồng với phương pháp thủy canh. Bạn chuẩn bị các rọ nhựa thủy canh, lót một lớp giá thể bên dưới và đặt các hạt giống lên trên. Sau đó, phủ thêm giá thể, phun nước trên bề mặt để giữ ẩm. Đến khi hạt phát triển thành cây, đã ra lá thì chuyển vào các khay chứa dung dịch thủy canh để cung cấp dưỡng chất cho cây. Xem thêm bài viết: Hướng dẫn cách trồng rau muống thủy canh sạch tại nhà.
Hành lá, tỏi
Đây cũng là những loại rau thích hợp để trồng với phương pháp thủy canh. Hành lá và tỏi có thể được trồng bằng cách ngâm gốc trong nước. Khi cây đã mọc lá thì đưa cây vào các rọ nhựa đã có giá thể, đặt trên thùng xốp hay giàn thủy canh để cây có điều kiện phát triển tốt nhất, đảm bảo cây mọc đều, nhanh, năng suất. Mời ban tham khảo: Hướng dẫn cách trồng hành lá thủy canh đơn giản tại nhà.
Rau mầm
Những cây rau mầm non mơn mởn khá dễ trồng và nhanh được thu hoạch, rất thích hợp để trồng tại nhà, đặc biệt khi hè sắp đến. Để trồng loại rau này, bạn ngâm hạt giống với tỷ lệ 3 lạnh và 2 sôi, loại bỏ những hạt lép, sâu để cây mọc đều hơn. Gieo hạt vào rổ, giá, khay,… cùng với giá thể. Tưới nước sạch đều đặn cho cây trồng. Một ngày nên tưới nước 2 lần sáng tối cho rau mầm.
Ngoài những loại rau thường được dùng trong bữa ăn chính, các loại rau gia vị, rau thơm cũng rất thích hợp để trồng với phương pháp này. Có thể kể đến như rau húng quế, rau mùi, rau kinh giới,…
Bên cạnh đó, phương pháp trồng rau thủy canh cũng rất thích hợp với những loại rau ăn quả như dưa chuột, dưa lưới, các loại rau họ bầu, bí, cà chua, cà rốt,… rất tiện dụng và cho năng suất cao.
Với danh sách đa dạng các loại rau thích hợp trồng thủy canh vừa được nêu trên đây, hi vọng bạn có cái nhìn tổng quan hơn về kỹ thuật trồng tiên tiến này và yên tâm áp dụng để tự trồng rau sạch tại nhà, mang đến nguồn rau an toàn cho mỗi bữa cơm gia đình.
- Cách trồng nấm linh chi (01/12/2016)
- Cách trồng nấm linh chi trên bã mía cho năng suất tăng 15% (01/12/2016)
- Kỹ thuật trồng nấm mỡ (01/12/2016)
- Những Kinh Nghiệm Mới Trong Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Bằng Cách Không Đậy (01/12/2016)
- Trồng nấm rơm kiểu mới (01/12/2016)
- Làm meo nấm rơm (01/12/2016)
- Kỹ thuật trồng nấm sò đùi gà (30/11/2016)
- Kỹ thuật trồng đậu đũa (30/11/2016)
- Kéo dài thời gian thu hoạch đậu đũa (30/11/2016)
- Trồng ấu trên đất ruộng (30/11/2016)