Kỹ thuật chăm sóc dê cái trước và sau khi sinh
11/12/2018
Khi nuôi dưỡng, chăm sóc dê cái, trong thời gian sắp sinh cần tránh dê cái quá mập hay ốm và một số vấn đề khác trên dê cái sinh sản. Một số vấn đề thường gặp như sau:

Dê cái quá mập

Dê thường có lớp mỡ dưới da rất ít nên khi thấy xuất hiện lớp mỡ này thì trong lồng bụng, các cơ quan nội tạng đã bị bao phủ nhiều mỡ. Do đó khi nuôi dê trong thời gian khô sữa, hay trên dê cái tơ cần quan sát cẩn thận để hiệu chỉnh lượng thức ăn tinh và cho chúng vận động nhiều hơn. Hầu hết các hormon sinh sản đều tan trong mỡ, nên chúng sẽ bị hấp thu một phần và thường gây ra sự lên giống bất thường cũng như tạo ra u nang buồng trứng.

Nuôi dê cái bị ốm

Do thiếu năng lượng nhất là trên các dê cái cho nhiều sữa trong giai đoạn 60 – 90 ngày đầu chu kỳ sữa làm chúng ốm đi. Sau đó khi nuôi dê cần chú ý rằng chúng cần phải được phục hồi vào tháng thứ 7 của chu kỳ sữa, trước khi phối giống lại. Khi có thể trạng tốt vào giai đoạn này dê cái dễ rụng nhiều trứng hơn nên dễ sinh dôi hay sinh ba hơn. Do đó phải bổ sung đủ lượng thức ăn tinh trong suốt thời gian cho sữa hay nuôi con.

Một số vấn đề trên cơ quan sinh dục

Thiếu phosphore và đồng gây ra biểu hiện lên giống kém và chu kỳ sinh dục bất thường. Thiếu mangan sẽ làm chậm một chu kỳ sinh dục sau khi sinh, làm giảm tỉ lệ đậu thai. Thiếu sinh tố A làm suy giảm chức năng của buồng trứng và sự phát triển bào thai. Phối giống trong thời kỳ quá nóng cũng tạo ra các noãn bào bất thưởng. Viêm nhiễm âm đạo, tử cung thường gây ra do sự sinh khó, địa điểm sinh dơ bẩn hay các sự can thiệp không đảm bảo vệ sinh. Bà con nuôi dê nên nhờ thú y chữa trị.

Một số vấn đề khi sinh

Phải cạn sữa dê cái ít nhất 6-8 tuần trước khi sinh, bổ sung thức ăn tinh, chữa trị viêm vú như đã đề cập ở bài Nuôi dê cái cho sữa. Chủng ngừa các bệnh hai lần: 8-10 tuần trước và 4 tuần sau khi sinh. Cho dê cái vận động bên ngoài chuồng để có sinh tố D, tăng dần lượng thức ăn tinh và thức ăn thô ngon miệng để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Tránh bị quấy rầy bởi chó hay các dê đực. Ở dê cái tơ, bầu vú căng rất rõ một tháng trước khi sinh, trong khi dê cái rạ chỉ biểu hiện vài ngày trước khi sinh. Một tuần trước khi sinh, màng gân vùng xương chậu giãn ra, khớp đuôi giãn ra, tạo thành một lỗ hổng giữa hai mấu xương ngồi. Thân nhiệt dê cái có thể bị giảm 1 – 2°C trong vòng 12-24 giờ trước khi sinh. Sờ tai dê cái cảm thấy lạnh hoặc kiểm tra thân nhiệt. Nhiệt độ bình thường của dê ở trực tràng là 39 – 40°C.

Gần sinh thường dê cái bỏ ăn, đứng nằm không yên, cào bới chất độn chuồng, ngoái cổ về sau, rên rỉ, rướn mình mỗi 5-10 phút, hay liếm tay người chăm sóc, âm hộ sưng to. Khi dê con vào vị trí sắp sinh, lỗ hổng ở hông lộ ra. Khi bắt đầu sinh, cổ tử cung mở ra, đẩy ra một dây màng nhờn, trong có màu vàng nhợt của cọng rơm. Nếu màng nhờn có màu trắng hay kem có thể âm đạo bị viêm. Dê cái rạ thường không bị sinh khó, nhưng trên dê cái tơ nếu thời gian bồn chồn kéo dài quá 24 giờ cần phải khám xem cổ tử cung có mở chưa. Nếu chưa mở cần gọi thú y. Dê cái thường cong lưng, vểnh đuôi vài giây mỗi phút. Bàng quan và trực tràng được làm trống trước khi dê con bắt đầu ra khỏi cổ tử cung. Đa số dê cái nằm xuống ở thời điểm này, nhưng đừng đẩy chúng. Kế tiếp bọc nước nhau được đẩy ra phía ngoài âm đạo, cổ tử cung đã mỡ khoảng 3/4.

Áp lực của bọc nước ối rất quan trọng, nên không làm vỡ nó khi khám. Khi bọc nước vỡ với áp lực của đầu dê con lên cổ tử cung làm cổ tử cung mở hoàn toàn. Lúc này chúng ta có thể thấy móng chân và đầu đê con qua âm đạo. Khi đầu dê con qua khỏi cổ tử cung, phần còn lại sẽ được đẩy ra dễ dàng. Dê cái mẹ có thể nghỉ trong vài phút khi đầu dê con đã ra ngoài cổ tử cung. Co thắt kế tiếp rất quan trọng giúp màng nhờn và dịch chất ra khỏi đường hô hấp của dê con. Lực đẩy cuối cùng sẽ làm đứt cuống rún, nếu cuốn rún chưa dứt hãy làm đứt nó cách thành bụng nhiều cm bằng các ngón tay. Sát trùng cuốn rún bằng cồn iod rất quan trọng. Dùng một miếng xốp tẩm dung dịch iod ép lên vùng cuốn rún càng sớm càng tốt sau khi sinh. Có thể dùng một chung nhỏ chứa iod nhúng cuốn rún vào, ép sát thành bụng và quay ngược phần bụng dê con lên trên. Với các thế nằm bất thường của bào thai cần gọi thú y.

Sau khi sinh đưa dê cái vào khung vắt sữa, cho ít thức ăn tinh và vắt phân nửa sữa của mỗi bầu vú. Vắt sữa một phần sẽ tạo ra sự co thắt tử cung giúp đẩy nhau thai ra ngoài. Nếu quá 24 giờ nhau chưa ra, hãy gọi thú y. Đừng cố gắng kéo nhau ra sẽ gây xuất huyết. Sau khi nhau ra, dọn sạch chuồng, rải lên một lớp rơm mới và bắt đầu chăm sóc dê con.

Kêtôn máu và sốt sữa

Kêtôn máu thường xảy ra trên dê cái bị mập mỡ trước và sau khi sinh với triệu chứng giảm sự ngon miệng kế đến là lãnh đạm, nằm cong mình, co giựt cơ mặt, nghiến răng sau đó là mất phản xạ, mù mắt và chết. Cho uống ngay 100 đến 200ml propylen glycol, hai lần mỗi ngày. Có thể dùng đường, nhưng propylen glycol làm tăng lượng đường máu lên nhanh nhất. Triệu chứng của sốt sữa gần tương tự như kêtôn máu nhưng diễn biến nhanh hơn nhiều. Tiêm ngay calcium gluconate vào máu hay dưới da trong vài ngày khi thú đi, đứng bình thường. Sốt sữa do thức ăn trước khi sinh có nồng độ calcium cao như ăn nhiều các loại cỏ họ đậu.


Số lượt đọc: 1462 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác