Một số lưu ý trong sản xuất cây trồng vụ Đông
18/11/2019
Hiện nay lúa mùa đang trong giai đoạn chín và thu hoạch, thời tiết thuận lợi cho cây trồng vụ Đông ưa ấm. Để sản xuất vụ Đông năm 2019 đạt được tối đa diện tích gieo trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Công tác chuẩn bị trước khi gieo trồng

- Đối với diện tích lúa chưa gặt: Tháo hết nước trong ruộng để khi gặt lúa trồng cây vụ Đông được thuận lợi.

Khi lúa chín 85 - 90% cần thu hoạch ngay, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thực hiện khẩu hiệu “sáng lúa, chiều cây vụ Đông”.

- Ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, các loại cây truyền thống có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ như: ngô nếp, bí xanh, bí đỏ, hành ta, su hào, súp lơ…; trồng lệch vụ, rải vụ để tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, trồng gối đối với cây ưa ấm như: ngô, đậu tương, bí xanh, bí đỏ, khoai lang…

- Ruộng trồng cây vụ Đông phải chủ động tưới tiêu, nhất là những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, thường có mưa ở đầu vụ; cần lên luống, vét rãnh sâu xung quanh để đảm bảo tiêu thoát tốt, đồng thời khi bị hạn tưới nước vào được thuận lợi. Đảm bảo ruộng không bị khô, hạn, ngập úng.

2. Thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống

- Thời vụ: Mỗi loại cây trồng cần được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, cụ thể:

+ Đối với cây ưa ấm: Cây ngô lai gieo từ đầu tháng 9 đến 25/9, nhóm ngô quà, gieo đến 10/10; Cây đậu tương gieo xong trước 30/9; Cây lạc gieo xong trước 30/9; Cây khoai lang trồng xong trước 30/9; Cây bí xanh, bí đỏ trồng xong trước 30/9. Nên gieo bầu để tranh thủ thời vụ; áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất.

Chú ý: Với cây vụ Đông ưa ấm, gieo càng sớm năng suất càng cao vì vậy các giống ngắn ngày có thể gieo vào trà của giống dài ngày.

+ Đối với cây ưa lạnh: Khoai tây trồng từ  20/10 - 15/11, cây rau có thể gieo trồng rải vụ…

- Cơ cấu giống: Chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, năng suất cao, cụ thể:

+ Cây đậu tương: Các giống có thời gian sinh trưởng trung bình 80 - 90 ngày, như: DT84, ĐT26, ĐVN5, ĐVN6, ĐT51…; Các giống ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, như: ĐT12, Đ8, ĐVN9…

+ Cây ngô: Sử dụng các giống ngô lai F1, năng suất cao, thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, như: NK4300, LVN4, NK6654, ngô biến đổi gen. Nhóm ngô quà: HN88, HN68, MX10…

+ Cây lạc: Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày, kháng bệnh héo xanh, gỉ sắt, đốm nâu, như: MD7, L14, L23…

+ Cây khoai lang: Trồng các giống có thời gian sinh trưởng từ 80 - 100 ngày, như: Hoàng Long, VX-37, TV1…

+ Cây khoai tây: Trồng các giống có thời gian sinh trưởng từ 80 - 90 ngày, như: Solara, Marabel,….

+ Cây rau màu các loại: Mở rộng diện tích trồng cây rau thực phẩm, nhất là cây ưa lạnh có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ, sử dụng các giống hạt lai F1.

3. Bón phân: Bón phân cân đối và hợp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK hoặc NPK đa yếu tố chuyên dùng cho từng loại cây. Thu gom rơm rạ và các phế phụ phẩm dư thừa để tận dụng nguồn phân hữu cơ. Bón đủ lượng, chú ý bón lót là chủ yếu, bón thúc sớm.

4. Phòng trừ sâu bệnh kịp thời: Coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng vụ Đông, sử dụng bẫy bả chua ngọt để diệt con trưởng thành. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của Trạm trồng trọt và BVTV huyện, không để lây lan thành dịch. Chú ý các đối tượng như: sâu khoang, sâu xanh, chuột, nhất là những nơi năm trước đã có ổ dịch.

   Mạnh Toàn - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội


Số lượt đọc: 750 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác