Số lượt truy cập: 3220251
Đang online: 170
Những ai tiếp xúc với TS Nguyễn Xuân Nhiệm - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - đều thấy từ ông tỏa ra nguồn năng lượng mạnh mẽ của sự đam mê dành cho khoa học, cho việc tìm tòi những dược chất chữa bệnh nan y.
TS Nguyễn Xuân Nhiệm. Ảnh: K.Dung
Khắt khe với chính mình
Theo TS Nguyễn Xuân Nhiệm, vào thời điểm 2007-2008, ngành nghiên cứu y - dược - đặc biệt là hướng thiên về nghiên cứu cơ bản mà ông quyết định theo đuổi, không phải là lựa chọn của những người có nhiều cơ hội tốt. Nhưng TS Nhiệm chẳng bao giờ phân vân, lưỡng lự, luôn trung thành với con đường của mình cho đến bây giờ.
Thời học phổ thông, Nguyễn Xuân Nhiệm học chuyên hóa tại Trường THPT chuyên Thái Bình. Lên đại học, trong khi nhiều bạn bè đã chuyển hướng sang những ngành khác như kinh tế, xây dựng thì TS Nhiệm vẫn tiếp tục con đường mình chọn thời học sinh. “Tôi có thể nói là người duy nhất trong đám bạn bè vẫn theo đuổi việc nghiên cứu hoá học. Ngay từ ngày đó, tôi đã ý thức được rằng học hóa có rất nhiều hướng phát triển để kiến thiết và xây dựng đất nước. Đó chính là đam mê của tôi” - nhà khoa học trẻ chia sẻ.
Ông tin rằng nếu cứ lựa chọn và đam mê thì sẽ có thành công. Sự kiên định của TS Nhiệm một phần cũng nhờ niềm đam mê mà người thầy - PGS-TS Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ - truyền sang. “Thầy đã định hướng những bước nghiên cứu đầu tiên, gần như là tạo một con đường đi sẵn cho mình để cứ thế bước trên đó” - TS Nhiệm nhớ lại.
Bước chân vào nghiệp nghiên cứu y - dược, Nguyễn Xuân Nhiệm biết rằng công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, tâm huyết. Một sản phẩm phải mất trung bình 15 năm kể từ lúc khởi nguồn nghiên cứu, phát triển đến khi đưa vào sản xuất. Ví như Nhật Bản, các nhà khoa học nghiên cứu về loài hải miên từ năm 1987, đến bây giờ mới đưa ra được sản phẩm.
Trong khi đó, nền y - dược của nước ta mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây và còn cách rất xa so với thế giới, nếu không cố gắng thì chúng ta ngày càng bị bỏ xa.
“Tôi ý thức được đây là giai đoạn cần đầu tư vào nghiên cứu, vì mình còn trẻ” - TS Nguyễn Xuân Nhiệm chia sẻ và tỏ ra lạc quan với không khí nghiên cứu khoa học tại Việt Nam: “Những năm 2007-2008, tại các cơ quan nhà nước, cứ 5 giờ chiều mọi người đã cắp cặp đi về; nhưng càng ngày, các phòng thí nghiệm càng sáng đèn lâu hơn - tới 7-8 giờ tối, có khi là 9 giờ. Phải như thế mới bắt nhịp được với guồng quay phát triển khoa học so với các nước trên thế giới”.
Hầu như TS Nhiệm không bao giờ về nhà trước 19h, những lúc công việc nhiều thì 22h mới về là chuyện thường, thậm chí làm việc xuyên thứ bảy, chủ nhật.
Khi được hỏi công việc nhiều như thế thì thời gian đâu cho gia đình, ông cười, tự nhận mình là người “có xu hướng ưu tiên cho công việc”, nhưng như thế vẫn chưa phải quá miệt mài. “Ở Hàn Quốc, các nhà khoa học làm việc 12-13 tiếng mỗi ngày. Có như thế họ mới phát triển được” - ông nói.
Trong suốt buổi trò chuyện, TS Nhiệm nhắc đi nhắc lại rằng mình còn trẻ, cần phải cống hiến. Khắt khe với bản thân, ông luôn đặt mục tiêu công việc cho mình, rằng hôm nay phải làm được những gì, công việc ngày mai phải triển khai ra sao.
Đem lại hy vọng cho người mắc ung thư
TS Bùi Hữu Tài - cán bộ phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển - coi Nguyễn Xuân Nhiệm như người thầy truyền lửa cho mình: “Làm khoa học nếu không có sự đam mê thì rất khó thành công. Cá nhân anh Nhiệm có một niềm đam mê rất mạnh. Đó là người anh có tư duy khoa học rất nghiên túc”.
Kết quả của việc dồn tâm huyết vào nghiên cứu là một số công trình của TS Nhiệm đang được chuyển giao và đưa vào ứng dụng. Một trong số đó là công trình phân lập các hoạt chất có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư từ quả loài na biển - Annona glabra do ông làm chủ nhiệm. Đề tài là tìm ra 2 hợp chất ức chế mạnh sự phát triển tế bào ung thư nhưng không gây độc tế bào thường và 2 hợp chất gây chết tế bào ung thư theo chu trình apoptosis.
Nhà khoa học trẻ cũng cùng người thầy là PGS-TS Phan Văn Kiệm nghiên cứu quy trình phân lập các chất kháng ung thư của một số loài hải miên ở Việt Nam. Họ phân lập được hơn 50 hợp chất, trong đó có 13 hợp chất mới, 2 hợp chất ức chế mạnh sự phát triển 8 dòng tế bào ung thư, ức chế sự phát triển khối u đến hơn 63%. Từ kết quả này, sẽ có thêm các nghiên cứu về dược lý và thử nghiệm ở chế phẩm dạng thuốc tiêm.
Không đắn đo khi về nước
TS Nguyễn Xuân Nhiệm sinh năm 1982 tại Vũ Thư, Thái Bình. Ông là tác giả và đồng tác giả của 90 bài báo quốc tế (SCI/SCIE), hơn 50 bài báo đăng trên tạp chí uy tín trong nước. Nguyễn Xuân Nhiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn là một trong 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 tham gia buổi gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng ngày 11/9/2015, là một trong 10 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác đoạt giải Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn trao tặng. Ông cũng nằm trong danh sách 64 nhà khoa học trẻ tài năng tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II do Trung ương Đoàn tổ chức tháng 12/2015. |
Quãng thời gian làm luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc để lại ấn tượng đậm nét trong TS Nhiệm. Ông kể say sưa, làm khoa học ở Hàn Quốc chuyên nghiệp lắm, “mình yêu cầu gì là có thể được đáp ứng luôn, mọi thứ luôn hỗ trợ tối đa cho nhà khoa học”, cơ sở vật chất và thiết bị lại rất hiện đại…
Được hỏi tại sao lại từ bỏ cơ hội làm việc trong một môi trường lý tưởng như thế để về nước - nơi còn rất nhiều khó khăn, ông bảo về Việt Nam cũng như trở về chính ngôi nhà mình. “Ngành nghiên cứu của tôi đã dần tiệm cận với thế giới, tất nhiên thời gian để mình triển khai sẽ lâu hơn, nhưng vẫn khắc phục được” - ông nói.
Công việc nghiên cứu đòi hỏi TS Nhiệm phải đi rất nhiều: Đi thực địa, đi thu mẫu, đi các viện và đặc biệt là đi nước ngoài, bởi “khoa học là sự phát triển”. Mỗi năm, ông thường có những chuyến công tác 3-6 tháng ở Hàn Quốc. “Tôi luôn tìm hiểu, nghiên cứu thành quả của những người đi trước, đặc biệt ở những nước có nền khoa học phát triển. Người đi trước họ có hiểu biết hơn, kinh nghiệm hơn mình. Nếu học hỏi, áp dụng được thì tốt nhất, bởi họ đã đầu tư, nghiên cứu rồi. Nhưng chúng ta cũng phải sàng lọc xem cái nào không hợp thì bỏ qua” - nhà khoa học trẻ bày tỏ.
Chia tay chúng tôi, Nguyễn Xuân Nhiệm vẫn còn hăng hái chia sẻ về những dự án đang ấp ủ thực hiện như nghiên cứu tìm ra một vài hợp chất có tác dụng diệt virus rất tốt. Có vẻ như không phải chỉ bởi tuổi trẻ khiến ông nhiệt tình cống hiến, mà chính khát vọng cống hiến đã và sẽ kéo dài tuổi trẻ của một nhà khoa học.