Số lượt truy cập: 3229700
Đang online: 32
Lạng Sơn có nhiều loại cây công nghiệp, cây dược liệu quý, hiếm, trong đó có cây gừng đá. Đây là loại cây có tính dược liệu cao, tuy nhiên, thời gian qua, người dân khai thác, tận thu nên giống gừng đá dần khan hiếm. Để bảo tồn giống cây quý hiếm này Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (ƯDTBKH-CN) Lạng Sơn đã nghiên cứu, ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào vào nhân giống cây gừng đá.
Gừng đá là cây thân thảo, sống lâu năm trên các vùng núi đá chủ yếu ở huyện Bình Gia và Bắc Sơn. Gừng đá ngoài tác dụng làm gia vị còn dùng làm dược liệu rất tốt. Trong y học gừng đá có vị cay, đắng, mùi khó chịu, tính ấm, có tác dụng làm thông hơi, điều kinh, nhuận tràng, cầm lỵ, làm săn da, cùng tác dụng giảm đau, chống viêm, xoa bóp bong gân. Chúng chỉ mọc ở những nơi núi đá, số lượng ít, giá bán cao (có khi lên đến 500 – 800 nghìn đồng/kg) nên cây trồng ngoài tự nhiên đang bị tận thu triệt để.
Trong khi đó, từ năm 2005, cây gừng đá đã được xếp vào nhóm giống cây thực phẩm quý hiếm cần được bảo tồn theo Quyết định 80/2005/QĐ- BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước thực trạng đó, nhằm tạo ra một số lượng lớn cây giống sạch bệnh phục vụ sản xuất và góp phần bảo vệ nguồn gen bản địa của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật của quốc gia nói chung, Trung tâm đã triển khai đề tài “Ứng dụng khoa học và công nghệ nhân giống gừng đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào". Sau một thời gian triển khai đã mang lại kết quả tốt, tìm ra môi trường nuôi cấy phù hợp, cây đẻ nhánh tốt, là tiền đề để tiến hành nhân rộng giống cây trên địa bàn”, ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm ƯDTBKH-CN, Sở KHCN tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng TBKH&CN hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng đá cho người dân |
Báo Lạng Sơn dẫn lời kỹ sư Lâm Mai Tùng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Theo điều tra, khảo sát, giống cây gừng đá trên địa bàn có dạng củ phân nhánh, khối lượng củ đến 200 g, năng suất 0,5 – 0,7 kg/khóm hoặc 8 – 10 củ con/khóm, chiều dài củ 5 – 10 cm, thời gian sinh trưởng trên 10 tháng… và một số đặc tính khác về thân, lá và hoa. Qua phân tích về thành phần các chất trong củ gừng đá, hàm lượng dinh dưỡng trong gừng đá Lạng Sơn rất cao, đặc biệt là hàm lượng Xenlulo, Gluxit và tinh dầu. Từ những kết quả được thu thập đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, nhân giống cây gừng đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, để cho ra loại cây có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Kết quả giai đoạn I, thu được: 3.200 cây gừng đá Lạng Sơn từ nuôi cấy mô, cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, đạt tiêu chuẩn giống, có từ 3 – 4 lá, chiều cao cây đạt 5 – 8cm đưa vào thực tiễn sản xuất; giúp bà con có điều kiện mở rộng diện tích gieo trồng. Tới đây trung tâm sẽ mở rộng, không chỉ trồng thí điểm tại Bắc Sơn và Bình Gia mà còn nhân rộng ra một số địa bàn có thổ nhưỡng phù hợp. Qua đó, giúp bà con có thêm giống cây để lựa chọn chuyển đổi cơ cấu trong phát triển kinh tế.
Thực tế, công nghệ nuôi cấy mô tê bào có ứng dụng rất lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từ một mẫu nuôi, cấy tạo ra hàng ngàn cây con như nhau. Nhờ phương pháp khoa học mới này giống gừng đá quý này của tỉnh Lạng Sơn được bảo tồn, đồng thời tạo ra nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo cho bà con nông dân.