TRANG CHỦ Tổng quan về xã Hoạt động địa phương Cải cách hành chính Lịch công tác tuần SƠ ĐỒ WEB Liên hệ Tìm kiếm
Thứ Bảy, 27/4/2024
Hỏi-đáp
Tin hoạt động-KHCN
Dịch vụ
PHÔNG UNICODE
Gương làm kinh tế giỏi
Sản phẩmPhim KH&CN
Tài liệu KHCN
Văn bản pháp quy
Sức Khỏe và Đời Sống
Gương Người tốt việc tốt
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Biển Hồ Cốc

Vườn thanh long xã Bưng Riềng

Mô hình trồng cây hồ tiêu

dự án trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

Lượt truy cập: 384760
  THUỶ SẢN

  QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI BA BA
18/11/2018

I. Đặc điểm sinh học

1. Phân loại

Lớp bò sát: Reptilia
Bộ rùa: Chelonia
Họ ba ba: Trionycidae
Các loài thường gặp là:
- Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis Wegmann 1835. Theo Bourret 1941). Tên phổ thông: ba ba sông, ba ba hoa. Phân bố chủ yếu ở các tỉnh miển Bắc: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hòa Bình …
- Ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea Boddaert 1770. Theo Bourret 1941) còn gọi là rùa đinh, cua đinh. Sống phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Ba ba gai (Palea steindachneri Siebenrock 1960). Phân bố giống ba ba trơn.

2. Tập tính sinh sống

Ba ba có một số tập tính sinh sống đặc biệt, tuy là động vật sống hoang dã, nhưng rất dễ nuôi trong ao, bể nhỏ. Chúng sống dưới nước là chính, nhưng có thể sống trên cạn và có lúc rất cần sống trên cạn. Ba ba thở bằng phổi là chính nên thỉnh thoảng phải nhô lên mặt nước để hít thở không khí. Mùa đông lạnh, cường độ hô hấp nhỏ, ba ba có thể rúc trong bùn ở đáy ao, dựa vào cơ quan hô hấp phụ trong cổ họng để thở, cơ quan hô hấp phụ tựa mang cá, ba ba lấy oxy trong nước và thải CO2 trong máu vào nước qua cơ quan này. Ba ba lên khỏi mặt nước khi có nhu cầu di chuyển, đẻ trứng, phơi lưng… Ba ba vừa biết bơi, vừa biết bò, leo, biết vùi mình nằm trong bùn cát, đặc biệt có thể đào hang trú ẩn, đào khoét bờ ao chui sang ao bên cạnh. Ba ba nhút nhát lại vừa hung dữ. Chúng thích sống nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, kín đáo. Khi thấy có tiếng động mạnh, có bóng người hay bóng súc vật đến gần, chúng lập tức nhảy xuống nước lẩn trốn. Tính hung dữ của ba ba thể hiện ở chỗ hay cắn nhau rất đau, con lớn hay cắn và ăn tranh mồi của con bé, bị đói lâu có thể ăn thịt con bé. Khi có người hoặc động vật muốn bắt nó, nó có phản ứng tự vệ rất nhanh là vươn cổ dài ra cắn.

3.Tính ăn

Ba ba thuộc loài ăn thức ăn động vật. Ngay sau khi nở một vài giờ, ba ba đã biết tìm mồi ăn. Trong tự nhiên thức ăn chính trong mấy ngày mới nở là động vật phù du, giun nước (trùn chỉ) và giun đất loại nhỏ. Khi lớn ba ba ăn cá, tép, cua, ốc, giun đất, trai, hến… Trong điều kiện nuôi dưỡng, có thể cho ba ba ăn thêm thịt của nhiều loại động vật rẻ tiền khác, đồng thời có thể huấn luyện cho ba ba biết ăn thức ăn chế biến (thức ăn công nghiệp) ngay từ giai đoạn còn nhỏ.

4. Sinh trưởng

Ba ba hoa lúc mới nở có quy cỡ từ 3 – 6g/ con, Ba ba gai và ba ba Nam bộ cỡ lớn hơn. Tốc độ lớn của ba ba phụ thuộc vào loài, kỹ thuật nuôi và điều kiện môi trường nuôi. Từ cỡ giống 100 – 200g/con, sau khi nuôi 8 – 10 tháng, ba ba hoa có thể đạt cỡ từ 1,2 – 2,5kg/ con. Ba ba gai nuôi có tốc độ lớn nhanh gấp đôi hoặc trên gấp đôi ba ba hoa.

II. Kỹ thuật nuôi ba ba trong ao
1. Chuẩn bị ao nuôi

- Diện tích để nuôi và quản lý tốt nhất: 300 – 1.000 m2.
- Độ sâu mực nước >1,5m. Độ trong >30cm.
- Đáy ao phẳng, nghiêng về cống thoát nước.
- Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và tiêu nước.
- Hệ thống mương cấp, thoát nước riêng biệt.
- Quanh ao, vườn xây tường cao 0,7 – 0,8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng 10cm (ở phía lòng ao) để ba ba khỏi bò đi mất. Khoảng cách giữa ao và tường bảo vệ tốt nhất để rộng 1 m.
- Phủ bèo tây 1/4 – 1/3 ao nuôi làm chỗ ẩn lấp cho ba ba.
- Bờ ao dốc thoải, hay bắc cầu, tạo 1 – 2 lối cho ba ba dễ lên xuống phơi mình tắm nắng.
- Cải tạo ao: Tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy ao, chỉ để lớp bùn < 20cm, phát quang bờ, san lấp các hang hố, tạo độ phẳng của đáy ao
- Diệt tạp: Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp, liều lượng dùng từ 10-12kg/ 100m2 rắc đều và phơi nắng 3-5 ngày.
- Cấp nước: Cấp đủ lượng nước trong ao đạt 1,5-1,8m, dùng lưới chắn để lọc không để cá tạp vào ao.
- Sử dụng chế phẩm sinh học sử lý môi trường trước khi thả giống từ 7-10 ngày. Có thể sử dụng một số chế phẩm như EM, Biowater…
+ EM: hòa 1 lít EM với 20 lít nước té đều cho 1.000 m3 nước ao.

2. Thả giống
a. Mùa vụ, mật độ nuôi

- Mùa vụ: Do ba balà loài chịu rét kém nên khi thả ta nên thả vào mùa xuân (tháng 3- 4).
- Mật độ: ≥ 1 con/m2.
- Kích cỡ ba ba thả: 100 – 200 gam/con.
- Thời gian nuôi: 15-18 tháng.

b. Chất lượng giống

- Ngoại hình: ba ba có màu sắc tươi sáng, cơ thể cân đối, kích cỡ đồng đều, không có dấu hiệu bệnh.
- Nguồn gốc giống: Mua tại các cơ sở uy tín, có giấy kiểm dịch trước khi xuất bán.

c. Phương pháp thả giống

- Ba ba giống đánh bắt vận chuyển nhẹ nhàng tránh xây xát, trước khi thả, tiến hành tắm cho ba ba bằng dung dịch muối ăn (NaCl) 2-3% (2–3 kg muối pha trong 100 lít nước) hoặc bằng dung dịch thuốc tím (1 g thuốc tím hoà tan trong 50–100 lít nước) trong vòng 3-5 phút.
- Cách thả ba ba: Thả ba ba vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thả ba ba vào những thời điểm nhạy cảm (nắng to, mưa rào, trời âm u…). Thả từ từ để ba ba bơi ra ngoài, ta không nên đổ mạnh khiến ba ba sợ chạy xô vào nhau dễ bị xây xát.

3. Chăm sóc và quản lý
a. Chăm sóc ba ba

- Bệ, máng đựng thức ăn cho ba ba đặt cố định. Bệ được xây bằng gạch lát xi măng (máng được đóng bằng gỗ có thành cao 5 – 10cm), trong ao nên có 2 – 4 bệ hoặc máng đựng thức ăn.
- Thức ăn chủ yếu là động vật (sống hay đã chết) như: giun, ốc, hến, chua, cá, mỡ trâu bò, ruột gà, phế phẩm các lò mổ… Có thể chủ động gây thức ăn tự nhiên bằng cách nuôi cách nuôi cá mè, rô phi, ốc vặn v.v… Chế biến thức ăn tổng hợp từ bột cá, bột đậu tương, cám gạo … sao cho đạm tổng số 40 – 43%. Chú ý: không dùng bột cá mặn hay cá tép đã ướp mặn.

- Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 – 8% trọng lượng ba ba trong ao. Trước khi cho ăn phải dọn sạch sàn bệ, máng ăn. Điều chỉnh thức ăn theo thời tiết để tránh bị lãng phí ảnh hưởng đến chất nước. Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 – 32 0C, trên 35 0C ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12 0C ngừng ăn.

- Ở miền Bắc, trước khi vào mùa đông cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và có độ béo cao như mỡ trâu, mỡ bò… để baba tích lũy mỡ dùng trong mùa đông.

b. Quản lý ao nuôi

- Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường và sự thay đổi đột ngột của môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Luôn duy trì mực nước đảm bảo yêu cầu từ 1,5m nước trở lên, nước đảm bảo chất lượng tốt.

- Thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh có chứa nhóm vi khuẩn Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces, Bacillus, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis … để xử lý nước ao và nền đáy. Có thể sử dụng chế phẩm EMC trong quá trình nuôi như sau: định kỳ 10-15 ngày sử dụng một lần, 3-4 tháng đầu liều lượng 1 lít/ 2.000 – 3.000m3, 2 tháng cuối vụ liều lượng 1 lít/ 1.500 – 2000 m3.
- Lưu ý: Ao nuôi phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế tháo nước, đánh bắt gây hoảng sợ, stress cho ba ba.

+ Trước và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học 2 ngày, tuyệt đối không được sử dụng vôi và các hóa chất sát trùng nước như Benkocid, Iodine…

- Nếu nuôi ba ba trong mùa đông tháng 11 – 2 năm sau, cần có biện pháp chống rét cho ba ba bằng cách phủ bèo tây 1/2 diện tích ao, nâng cao sức khỏe cho ba ba bằng cách ăn tích cực trước mùa đông và trong những ngày nắng ấm

4. Thiết lập hồ sơ trong quá trình nuôi

Lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ, nhật ký về thả giống, chế độ cho ăn, bơm nước, sử dụng thuốc, hóa chất … từ lúc bắt đầu nuôi cho tới khi thu hoạch.

5. Thu hoạch và vận chuyển

- Thu hoạch

+ Thu tỉa: Có thể xuống ao mò bắt, kéo lưới, cất vó hay chặn lối từ vườn xuống ao trực tiếp bắt.

+ Thu toàn bộ: Tháo cạn, tát ao để bắt.

- Vận chuyển:

Vận chuyển gần có thể chứa chúng vào bao tải thưa. Khi đi xa cần chứa vào sọt hay thùng gỗ thoáng, lót bèo giữ ẩm, xếp một lượt bèo một lớp ba ba. Quá trình vận chuyển thao tác cần nhẹ nhàng, tránh xây sát.

 

 

 

|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 878 111 - Fax: (84.064) 3 878 111
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu