Nỗ lực bảo tồn hai con rùa quý hiếm nhất thế giới ở Trung Quốc
18/04/2018

Trung Quốc nhiều lần thụ tinh cho cặp rùa quý hiếm trong vườn thú Tô Châu nhưng chưa thành công.

Rùa quý hiếm xuất hiện tại hồ Xuân Khanh tháng 5/2017. Ảnh: ATP.

Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) phát hiện rùa Rafetus swinhoei cùng loài với rùa Hoàn Kiếm, ở hồ Xuân Khanh, Hà Nội, hôm 12/4. Ngoài cá thể này, trên thế giới chỉ còn ba con, một ở hồ Đồng Mô và hai ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, theo tổ chức Bảo vệ Rùa (TC).

Rafetus swinhoei là loài rùa nguy cấp và quý hiếm nhất thế giới. Chúng là rùa nước ngọt mai mềm kích thước lớn, từng sống phổ biến ở sông Dương Tử, Thái Hồ, nhiều nơi thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và một số khu vực ở Việt Nam.

Những năm 1990, số lượng rùa giảm nghiêm trọng do sự xâm phạm lãnh thổ và săn bắn trộm của con người. Nhiều người ở Trung Quốc tìm chúng để lấy mai làm thuốc. Năm 2005, con rùa ở vườn thú Bắc Kinh qua đời. Năm tiếp theo, một con khác trong vườn thú Thượng Hải cũng chết. Cặp rùa ở vườn thú Tô Châu hiện nay là đại diện cuối cùng còn sống tại Trung Quốc.

Rùa Rafetus swinhoei đực trên trăm tuổi ở Trung Quốc. Ảnh: National Geographic.

Trung Quốc từng thực hiện nhiều biện pháp để nhân giống rùa, nhưng chưa thành công. Nỗ lực ghép đôi rùa Rafetus swinhoei của nước này bắt đầu từ 10 năm trước, khi rùa cái lần đầu được đưa về vườn thú Tô Châu sống cùng rùa đực.

Rùa cái tên là Xiangxiang, khoảng 90 tuổi, vẫn đẻ trứng mỗi năm. Tuy nhiên, rùa đực Susu, khoảng 110 tuổi, lại bị tổn thương dương vật nghiêm trọng. Đây có thể là hậu quả của một trận chiến với cá thể đực khác từ nhiều năm trước. Các nhà khoa học, giới truyền thông, thậm chí người chăm sóc rùa từ lâu đã gọi chúng là "con cái" và "con đực" thay vì tên riêng.

Cá thể cái duy nhất của loài rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc. Ảnh: National Geographic.

Năm 2013, trong mùa ghép đôi thứ sáu của cặp rùa Trung Quốc, rùa cái đẻ 80 trứng nhưng không quả nào nở thành rùa con, theo National Geographic. Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến chúng sinh sản không thành công, trong đó có chất lượng tinh trùng kém do con đực đã già, quá trình giao phối không thuận lợi, hoặc con cái bị căng thẳng.

Thụ tinh nhân tạo có lẽ là hy vọng duy nhất để gây giống cho đôi rùa. Nỗ lực năm 2015 và 2016 đều thất bại, do đó các chuyên gia tiếp tục tìm cách điều chỉnh và cải tiến quá trình thụ tinh nhân tạo. Tháng 10/2016, vườn thú Tô Châu tạm thời tách chúng ra để con đực không mất tinh trùng do dương vật tổn thương khi cố gắng giao phối vào mùa đông và đầu mùa xuân, theo Liên minh bảo tồn rùa (TSA).

Nhóm chuyên gia chăm sóc rùa đực năm 2017. Ảnh: WCS.

"Năm 2016, tinh trùng được đưa vào ống dẫn trứng bằng một ống tiêm dài. Lần này các nhà khoa học sử dụng ống thông mềm, kỹ thuật tiên tiến giúp đưa tinh trùng tới gần buồng trứng hơn và được coi là ít rủi ro hơn", nhà động vật học Lu Shunqing giải thích vào năm ngoái.

Quá trình lấy tinh trùng từ con đực gặp nhiều khó khăn, nhóm nghiên cứu chỉ thu được một lượng nhỏ tinh trùng chất lượng tốt. Để đưa ống thông vào cơ thể con cái, họ gây mê cho nó khoảng hơn ba tiếng. Tuy nhiên, lần thụ tinh này có vẻ vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Bất chấp nhiều nỗ lực không thành công, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách nhân giống rùa Rafetus swinhoei. Ngoài phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cặp rùa trong vườn thú Tô Châu, nhiều người hy vọng sẽ phát hiện thêm cá thể rùa quý hiếm này ngoài tự nhiên.


Số lượt đọc: 1428 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác