Hiện tại tổ hợp tác Phong Hòa trồng 40ha thanh long ruột đỏ được Cty Thạch Võ bao tiêu sản phẩm, nông dân có lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Hữu Dư, một trong những người trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả nhất ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp kể lại, sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định ở nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và bắt đầu với nghề trồng huệ. Nhưng đầu ra bấp bênh nên không có lãi. Sau lần đi tham quan vườn thanh long ở Bình Thuận, anh bàn bạc với gia đình, quyết định đầu tư toàn bộ 10ha đất vườn nhà trồng thanh long ruột đỏ.
Để đầu ra ổn định, ngoài diện tích vườn nhà anh Dư còn vận động bà con cùng nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ Phong Hòa và chủ động liên hệ với Cty Thạch Võ (chi nhánh tại Măng Thít, Vĩnh Long) để đặt vấn đề bao tiêu.
Thấy phương án sản xuất kinh doanh của anh hợp lý, Cty đã cam kết liên kết ổn định với tổ hợp tác được hơn 1 năm nay. Theo anh Dư, điểm đặc biệt khi liên kết với DN, nông dân được hỗ trợ thu mua phân thuốc theo hình thức "gối đầu", việc thu mua diễn ra quanh năm, chuẩn bị thu hoạch DN báo giá trước 10 - 15 ngày. DN còn trợ giá cho nông dân khi giá lên xuống thất thường. Thấy việc liên kết ổn định nên bà con rất đồng thuận.
Ông Nguyễn Văn Đúng, tổ viên tổ hợp tác Phong Hòa chia sẻ, hồi trước tự trồng nên cây đậu trái rất ít, sâu bệnh quanh năm, năng suất không cao. Từ khi tham gia tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân và được bao tiêu nên năng suất, lợi nhuận tăng lên đáng kể.
"Tính trung bình, 160 trụ thanh long của tôi mỗi năm cho lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Bên cạnh đầu ra ổn định, tham gia tổ hợp tác, gia đình tôi cũng có thêm thu nhập từ việc cho thuê bến bãi cho Cty trung chuyển, việc này cũng góp phần tăng thêm thu nhập", ông Đúng nói.
Hiện tại ngoài 40ha thanh long ruột đỏ của tổ hợp tác Phong Hòa liên kết với Cty Thạch Võ, anh Nguyễn Hữu Dư còn liên kết với 3 tổ hợp tác khác để cung cấp số lượng lớn cho Cty, với giá bán ổn định từ 20.000 - 50.000 đồng/kg, có lúc lên đến 70.000 đồng/kg.
Thấy được lợi ích của việc liên kết này, không chỉ bà con trong xã mà nhiều nông dân trồng thanh long ở các vùng lân cận cũng ký tham gia vào tổ hợp tác. Đến nay, tổ có 40 thành viên, tương đương với diện tích 40ha. Trong đó, có 10 tổ viên là đoàn viên thanh niên của xã cũng bắt đầu khởi nghiệp với mô hình này.
Anh Nguyễn Hữu Dư, tổ trưởng tổ hợp tác Phong Hòa, cho biết, bây giờ làm ăn cục bộ theo kiểu mạnh ai nấy làm đã không còn hiệu quả, muốn được giá cả ổn định bắt buộc phải tham gia hợp tác, gom hàng với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, từ đó mới có tiếng nói với đối tác và cạnh tranh giá tốt.
"Để chất lượng thanh long được ổn định, tổ hợp tác sẽ vận động bà con xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP và lên kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng cho thanh long Lai Vung. Trong đó, sẽ xây dựng giàn đèn cho tất cả vườn trong tổ nhằm tạo thanh long trái vụ, bán với giá cao hơn" - anh Dư chia sẻ. |
- Nơi kết nối người sản xuất rau và tiêu dùng (20/07/2019)
- Quản lý nông nghiệp sinh thái (17/07/2019)
- Thu nhập khá từ ổi 'dừa' (15/06/2019)
- 9X xứ Tuyên trồng dưa sạch '5 không' (06/06/2019)
- Tưới tiết kiệm, lợi đôi bề (06/06/2019)
- Giống lúa lai 3 dòng thế hệ mới (06/06/2019)
- Ngỡ ngàng với vườn bí khổng lồ ở TP Đà Lạt, 80kg/quả (16/05/2019)
- Bón phân hợp lý để ứng phó với biến đổi khí hậu (08/05/2019)
- Mạnh dạn làm nông sản an toàn (12/04/2019)
- Liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP (05/04/2019)