Trồng lan công nghệ cao, nhìn từ kinh nghiệm thành công của Thái Lan
28/11/2016

Thái lan là một nước có truyền thống trồng hoa lan nhiệt đới nổi tiếng và là nước xuất khẩu hoa lan hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm hoa lan từ đất nước Chùa Vàng này xuất sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan… đã thu về hàng trăm triệu USD...

Vì sao người Thái trồng lan rất thành công như vậy?

Bí quyết trồng lan Trước hết là khâu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và nhân giống hoa lan của Thái Lan làm rất tốt. Họ có rất nhiều công ty tư nhân, Viện nghiên cứu tham gia vào việc lai tạo các giống mới và hàng năm cho “ra lò” hàng chục giống lan mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, như Denro, catleda, hồ điệp, vũ nữ, vanda, monkara. Điển hình như DN hoa lan Chao Praya Orchid, hay Cty TK Orchid (Kangchanatbule - Thailan) đã có được bộ sưu tập quỹ gen, định hướng chọn tạo giống hoa lan rất nổi tiếng.

Hiện nay, xu hướng ở đất nước Thái Lan đang đi vào việc chọn các giống hoa lan có hương thơm, cây vừa phải, nhưng có thể trưng trong phòng với các loại hoa lan có bông nhuyễn, nhỏ nhưng nhiều bông và màu sắc đẹp. Đặc biệt với khâu tổ chức các dịch vụ đầu vào phục vụ ngành trồng lan thì rất bài bản và thuận tiện. Chỉ cần đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp ngoài chợ là có thể mua đủ các loại dụng cụ, vật tư phục vụ cho việc trồng lan, từ phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, các loại lưới, chậu, giá thể trồng lan với giá cả phải chăng. Thông thường ở Thái Lan, hộ trồng hoa lan nào cũng phát triển quy mô vườn rất lớn, hộ bình thường cũng phải có từ vài ha, phổ biến là 5ha; còn trang trại trồng lan của các công ty thì có thể lên đến 10 - 15ha, thậm chí tới 40ha. Do vậy số lượng hoa lan hàng hoá luôn có thường xuyên và có số lượng nhiều, đủ đáp ứng cho mọi đơn đặt hàng của đối tác trong và ngoài nước. Do vậy, đầu ra hoa lan của họ rất ổn định, có nhiều DN tham gia thu mua và xuất khẩu hoa lan.

Thường các DN luôn chủ động từ khâu chọn tạo giống đến nhân giống và trồng, xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm hoa lan của họ đáp ứng theo yêu cầu của thị trường từ hoa cắt cành, hoa trang trí bàn ăn, hoa chậu để trưng trong nhà, nhà hàng, khách sạn... Hầu hết các DN tham gia xuất khẩu hoa lan đều xây dựng trang Web riêng, do đó rất thuận tiện trong việc giao dịch, giới thiệu, mua bán sản phẩm. Mỗi người dân ở Thái lan đều có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng lan riêng được xem là “bí quyết” tay nghề. Do vậy, tất cả những khâu đó giúp cho hoa lan của đất nước Chùa Vàng luôn đứng vững trên thị trường xuất khẩu.   Đẩy mạnh ứng dụng TBKT Do diện tích đất nông nghiệp có hạn nên Thái Lan đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng KHKT tối đa nhằm cải tạo đất trồng, lai tạo các giống hoa, giống cây trồng mới có khả năng thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn. Để giữ và nâng cao độ phì nhiêu đất nông nghiệp, Thái Lan sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học.

Hơn nữa, ở Thái Lan hiện nay mức độ cơ giới hóa đã bao phủ đến từng thửa ruộng, vườn cây. Ngay cả những khâu sau thu hoạch cũng được cơ giới hóa toàn bộ, giúp giảm thiểu được tỉ lệ thất thoát, hư hỏng các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, bí quyết thành công của nông dân Thái Lan chính là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới. “Nút thắt cổ chai” trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát triển bền vững đã được các nhà khoa học Thái Lan tháo gỡ bằng công nghệ sinh học (công nghệ biến đổi gen, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi...).

Kinh nghiệm của Thái Lan chỉ ra rằng, khoa học công nghệ giúp con người không chỉ tiết kiệm thời gian mà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Chính khoa học công nghệ hiện đại và đồng bộ trong các khâu cũng như ở các địa phương trên cả nước đã giúp đất nước này phát triển mạnh nghề trồng hoa lan, giải phóng sức lao động của nông dân và cải thiện thu nhập cho họ. Cụ thể, ở Thái Lan phần lớn nhà vườn sử dụng chậu ni lông và dớn mềm để trồng lan, với thời gian từ khi cấy mô cho đến lúc ra hoa mất khoảng 18 tháng. Trước hết sẽ tiết kiệm diện tích vườn và công vận chuyển thuận lợi hơn.

Để có được những trang trại hoa lan rộng hàng chục ha đẹp như… mơ tại tỉnh Tây Ninh và Củ Chi (TP.HCM), anh Nguyễn Hoàng Hoà, Chủ DN hoa lan Hoàng Hòa Orchid đã bỏ không ít tiền của, công sức và thời gian để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng lan của Thái Lan. Đồng thời, anh muốn thay đổi quy trình, kỹ thuật trồng lan công nghệ cao của họ sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với kiểu trồng truyền thống. Theo anh Hòa, phát triển bền vững là cái đích mà chúng ta phải hướng tới, mô hình trồng lan công nghệ cao ở Thái Lan rất đáng để chúng ta học tập, phổ biến kinh nghiệm cho nông dân nhằm thay đổi tập quán sản xuất của họ theo hướng tiến bộ, thân thiện với môi trường.


Số lượt đọc: 1094 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác