Rau màu an toàn, hướng đi bền vững
20/03/2017

Những năm gần đây, thị trường rau màu góp phần rất lớn vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu lợi nhuận khá và ổn định.

Trong đó, rau màu sản xuất theo phương thức an toàn, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm mức dư lượng kháng sinh... là hướng đi tất yếu và bền vững.

Hiện toàn tỉnh có hơn 300ha rau màu các loại sản xuất theo hướng an toàn, không sử dụng chất cấm, hạn chế thuốc BVTV và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Bên cạnh đó còn ứng dụng các tiến bộ KHKT, sản xuất theo hứu hữu cơ, sản xuất sạch, sản xuất rau màu trong nhà kính góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự là một minh chứng cho việc trồng và tiêu thụ các loại rau màu an toàn, các sản phẩm trước khi tiêu thụ đều được kiểm tra dư lượng kháng sinh, đảm bảo tốt yếu tố cách ly, ưu tiên sử dụng các loại chế phẩm sinh học không gây độc hại cho người và thiên địch tạo thân thiên với môi trường.

Bình quân mỗi ngày HTX cũng ứng cho Siêu thị Vinafood Mart (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn. Theo đó, trong năm 2017, HTX đã ký hợp đồng với 7 đơn vị  mới là các cửa hàng, Cty và quầy cung cấp rau an toàn ở huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Long Xuyên (An Giang) và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sản lượng trên 700kg rau củ an toàn/1 tuần, với các loại như hành lá, củ cải, rau xanh, mồng tơi…

Ngoài ra, HTX cũng duy trì liên kết tiêu thụ 20 - 30kg rau sạch với cửa hàng Gresh and Green (thị xã Tân Châu, An Giang) với giá bán cao hơn thị trường bên ngoài từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ông Dương Minh Sang, Phó GĐ HTX rau an toàn xã Long Thuận cho biết, với diện tích gần 200ha rau màu sản xuất an toàn đã giúp nông dân có định hướng về làm ăn tập thể và giúp giảm giá thành nâng cao chất lượng sản phẩm.

Song song đó, nhiều mô hình tập huấn cho nông dân được triển khai rộng khắp, sử dụng phân vi sinh trên rau, ứng dụng các chế phẩm sinh học đã giúp giảm 20 - 50% lượng phân bón so với sản xuất truyền thống, giảm 3 - 5 lần thuốc hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Đỗ Thanh Sĩ ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận, thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới đã 2 vụ và cho kết quả khả quan. Rau trồng trong nhà lưới có màu sắc xanh non hơn so với môi trường ở bên ngoài, ít chịu tác động của các ruộng lân cận, đồng thời giảm được 3 - 4 lần phun thuốc nhờ không có sâu bệnh xâm hại. Trung bình giảm từ 300 - 500 nghìn đồng/công với chi phí đầu tư từ 1,2 - 1,5 triệu đồng.

Hiện tại, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh các loại rau màu an toàn như củ cải, hành lá, ớt, bắp, dưa leo, dưa hấu, cải ngọt, cải xanh, rau muống, xà lách... trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười để giúp nông dân giúp giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm rau sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng giá trị khi bán ra trên thị trường.

Thí điểm với mô hình trồng rau màu sạch trong nhà lưới, anh Võ Phước Long ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết, việc sản xuất rau sạch trong nhà lưới tốn chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng bù lại cách lý môi trường bên ngoài nên tình hình sâu bệnh giảm, lượng phân bón cũng tiết kiệm và áp dụng tưới phun nên chi phí giảm và lợi nhuận cao hơn từ 500.000 - 700.000 đồng/công so với sản xuất truyền thống và không lo đầu ra.

 

Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn vẫn còn nhiều khó khăn do việc sản xuất đòi hỏi đầu tư khá cao nhưng giá sản phẩm bán ra thị trường cao không nhiều so với sản xuất truyền thống. Mặc khác nhận thức sản xuất rau an toàn, rau sạch của nông dân còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và thí điểm nhiều mô hình có hiệu quả để nhân rộng. Song, sản xuất rau an toàn đã dần được các thị trường xuất khẩu, quầy rau an toàn, siêu thị… tiếp nhận và người tiêu dùng đang cần những địa chỉ “sạch” nên thời gian không xa, rau màu an toàn sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững.

 


Số lượt đọc: 1247 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác