Sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững
28/10/2016
Trong khi nông dân nhiều địa phương khác đang “hụt hơi” tìm đầu ra cho hồ tiêu thì nông dân xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) vẫn an tâm sản xuất vì có rất nhiều công ty đến thu mua hồ tiêu tại vườn với giá cao hơn giá thị trường. Đó là thành công từ mô hình ứng dụng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

SẢN XUẤT THEO TIÊU CHUẨN GLOBALGAP

Từ tháng 1-2014, Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ thử nghiệm mô hình “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo GlobalGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại huyện Châu Đức”. Có 8 hộ dân tại ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) tham gia thử nghiệm với diện tích 8ha trồng tiêu từ 7-9 năm tuổi. Sau 3 năm triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa việc sản xuất hồ tiêu của BR-VT phát triển theo hướng bền vững.

Anh Nguyễn Văn Hà (tổ 42, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành) đã có 7 năm trồng tiêu. Năm 2014, anh được Sở KH-CN và Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ chọn là 1 trong 8 hộ áp dụng trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Anh Hà thử nghiệm mô hình này trên 0,8ha với 1.000 trụ tiêu. Theo anh Hà, vốn đầu tư ban đầu cho vườn tiêu theo chuẩn GlobalGAP tương đối cao, khoảng 100 triệu đồng, tăng khoảng 30% so với chi phí sản xuất đại trà, do phải xây dựng cơ sở hạ tầng như: kho phân bón, kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhà vệ sinh, khu pha thuốc BVTV, chi phí phân tích mẫu, chi phí vật tư phân hữu cơ, chế phẩm sinh học… nhưng những năm sau nhà vườn không phải đầu tư thêm. Đặc biệt, từ khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm, vườn tiêu của anh Hà thu hoạch gần 5 tấn (trước đây chỉ đạt 3,5-3,8 tấn); giá bán cho các công ty đến thu mua nằm trong chuỗi liên kết tại vườn khoảng 196.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 11.000 đồng/kg.

Ông Lê Công Thanh (tổ 42, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành) cho biết, ông trồng gần 1ha với 1.200 trụ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời áp dụng phương pháp IBM (phòng trừ sâu bệnh hại) từ 3 năm nay. Kết quả cho thấy, cây hồ tiêu sinh trưởng phát triển tốt, không bị bệnh chết nhanh, tỷ lệ bệnh chết chậm, đốm rong giảm hẳn. Năng suất trung bình tăng 24,08%, hiệu quả kinh tế tăng 31,31% so với phương pháp sản xuất hồ tiêu thông thường. “Riêng vườn tiêu của gia đình tôi, mùa tiêu năm vừa rồi cho năng suất cao, khoảng 5,5 tấn/ha. Trừ các thứ chi phí, năm rồi chúng tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ vườn tiêu, cao hơn 20-30% so với trước đây”, ông Thanh nói.

KHÔNG LO ĐẦU RA

BR-VT có 9.261ha trồng tiêu, đứng thứ 4 cả nước, trong đó huyện Châu Đức có 5.882ha, chiếm 63,5% diện tích trồng tiêu toàn tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng hạt tiêu xuất khẩu, người dân địa phương đang hướng đến sản xuất sạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm, tạo đầu ra ổn định và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Vì vậy, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo GlobalGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại huyện Châu Đức” do Sở KH-CN quản lý, TS.Bùi Xuân Khôi, Nguyên phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ) làm chủ nhiệm đang là nhu cầu cần thiết để hồ tiêu BR-VT tạo vị thế trên thị trường. Theo ông Khôi, để tham gia mô hình này, nhà vườn bắt buộc phải theo quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc. Cụ thể: đất trồng, nguồn nước tưới phải được bảo đảm độ an toàn; giống cây trồng sạch bệnh; phân bón, thuốc BVTV bảo đảm trong danh mục được phép sử dụng, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn. Ngoài ra, người trồng tiêu còn phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. 

Theo TS. Bùi Xuân Khôi, 95% sản lượng tiêu ở Việt Nam được dùng để xuất khẩu nên việc sản xuất theo hướng an toàn (trong đó có tiêu chuẩn GlobalGAP) sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định thị trường và giá thành của hồ tiêu BR-VT. Hiện toàn bộ sản phẩm của 8 hộ trong dự án trồng tiêu theo GlobalGAP ở Châu Đức được Công ty Olam (Ấn Độ), Công ty KSS (Nhật Bản), Công ty Foods (Đức), Công ty Ngô Gia (Việt Nam)… thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 15.000 đồng/kg (hiện nay là 196.000 - 200.000 đồng/kg). “Chúng tôi đang xin chủ trương mở rộng thêm 200-300ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở các xã khác của huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc”, ông Khôi nói.


Số lượt đọc: 896 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác