Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và sự phát triển công nghiệp ngày càng mạnh thì vấn đề rác thải là mối lo ngại lớn; không xử lý kịp lượng rác thải và phần lớn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Lượng chất thải rắn tại các đô thị được thu gom mới đạt 70% tổng lượng chất thải rắn phát sinh. Trong khi đó, việc tái chế và tái sử dụng mới chỉ giảm khoảng 10 -12%. Do đó, môi trường tại các địa phương đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng và có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người ở địa phương. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đất do rác thải sinh hoạt và nước rỉ rác thải sinh hoạt gây ra đang trở thành vấn đề nan giải và cấp bách.
Để giải quyết bài toán về môi trường, các nhà quản lý môi trường trên thế giới cũng như Việt Nam thường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đưa các trang thiết bị vào quá trình xử lý nhằm giữ lại các chất ô nhiễm hoặc chuyển chúng từ dạng độc sang dạng không độc, thải ra môi trường. Nhưng với giải pháp này, lại tạo ra sản phẩm vô cơ và chất độc hại, và đòi hỏi chi phí đầu tư, vận hành lớn mà không phải cơ sở sản xuất nào cũng thực hiện được, đặc biệt là những hộ kinh tế chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn Việt Nam.
Trước yêu cầu đó, phương pháp sử dụng thực vật có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường nước hay đất để xử lý, cải tạo môi trường bị ô nhiễm đã được tìm ra và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Phương pháp sử dụng thực vật xử lý chất ô nhiễm là một phương pháp đơn giản, vốn đầu tư thấp, không tạo ra các sản phẩm vô cơ và chất độc hại, thích hợp cho những vùng đất, nước bị ô nhiễm.
Đối tượng đang được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam đó là cây dầu mè, do khả năng ứng dụng của nó trong việc phát triển nhiên liệu sinh học, cải tạo môi trường trên những vùng đất khô cằn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng, vùng đất bị ô nhiễm. Hơn nữa, dầu ép từ hạt dầu mè là nguyên liệu để sản xuất diesel sinh học (biodiesel) thân thiện với môi trường, có hiệu quả sinh thái cao. Đặc biệt, hiện nay ở Thừa Thiên - Huế, dầu mè vẫn là cây hoang dại, nửa hoang dại, chưa được đưa vào nghiên cứu để ứng dụng nó trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực xử lý môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cây dầu mè để xử lý đất bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt đang trở nên rất cấp thiết.
Qua nghiên cứu về sinh trưởng của cây dầu mè trên môi trường đất bị ô nhiễm rác thải, kết quả cho thấy cây dầu mè có thể sinh trưởng và phát triển trên môi trường đất bị ô nhiễm rác thải và nước rỉ thải sinh hoạt thể hiện qua các chỉ tiêu sinh trưởng: cây sống sót với tỷ lệ cao và khả năng sinh trưởng tốt, đặc biệt là giai đoạn 30 ngày sau trồng. Chiều cao cây tăng đều qua các giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn từ 15 ngày đến 30 ngày sau trồng. Số lá của cây cũng tăng theo thời gian và tăng đều qua các giai đoạn.
Các chỉ tiêu lý, hóa học của đất sau khi trồng cây dầu mè được cải thiện đáng kể: pH đất tăng lên sau khi trồng cây dầu mè, từ pH chua trở thành pH trung tính. Hàm lượng các chất hữu cơ tổng số trong đất: trước khi trồng hàm lượng các chất hữu cơ tổng số trong đất thấp (2,024%), sau khi trồng dầu mè hàm lượng chất hữu cơ tổng số trong đất tăng lên đáng kể (2,503%), từ đất nghèo dinh dưỡng trở thành đất có hàm lượng dinh dưỡng đạt mức trung bình. Hàm lượng Nitơ tổng: giảm đáng kể sau khi trồng (từ 0,212% giảm xuống còn 0,158%), giảm rõ rệt ở giai đoạn 30 ngày sau khi trồng, điều này vừa giúp cải tạo được nguồn nước ngầm vừa giúp cây có thể sinh trưởng thuận lợi hơn. Hàm lượng photpho tổng cũng giảm theo thời gian sau khi trồng cây, đặc biệt là giai đoạn 30 ngày sau trồng hàm lượng P tổng giảm xuống 0,136%, nằm trong ngưỡng trung bình.
- Nhật chế tạo kính bền như thép (11/11/2015)
- Chùm sóng âm có thể dẫn thuốc vào cơ thể diệt khối u (11/11/2015)
- Mỹ phát triển công nghệ nhìn xuyên tường (11/11/2015)
- Công nghệ làm dấu vân tay phát sáng (29/10/2015)
- Tấm pin quang điện trong suốt (28/10/2015)