Chiêu độc "bắt" 2.000 gốc cam sai trĩu: Bón phân bằng... cá tươi
17/11/2017
Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo "lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam", người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để "sai khiến" gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.

Giảm chi phí phân bón

Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.

 

“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” - ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.

Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.

 

“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng - Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.

Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng

Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng" - ông Tiến bảo vậy.

 

Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp  để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.

“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn”  -ông Tiến khẳng định như vậy.


Số lượt đọc: 933 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác